Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Tham nhũng: chống là chưa đủ mà phải tiêu diệt

Bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tại phiên thảo luận chiều 5-8:
          Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.
          Kính thưa Quốc hội.
          Sau khi nghe báo cáo tình hình kinh tế, đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp của 6 tháng cuối năm, chúng tôi cơ bản thống nhất. Có thể nói những tháng cuối năm năm 2010 và đầu năm 2011 tình hình kinh tế diễn biến không thuận lợi. Kinh thế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, hầu hết các nước trên thế giới và các nước phát triển đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Ở trong nước tình hình lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái những tháng đầu năm biến động mạnh và diễn biến phức tạp. Có thời điểm lãi suất tiền gửi 16-18%, có lúc cho vay trên 20%. Trước tình hình này Chính phủ đã có Nghị quyết 11, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 02 và Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 59 về ưu tiên hàng đầu trong năm 2011 là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Qua 4 tháng triển khai thực hiện chúng tôi thấy:
         Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ tình hình kinh tế – xã hội những tháng gần đây đã có những chuyển biến tích cực, thu ngân sách đạt 55,1% và tăng 22,8% so với năm 2010, góp phần quan trọng vào việc thực hiện giảm bội chi ngân sách dưới 5% vào cuối năm 2011. Các chương trình đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tích cực như hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, cho vay xuất khẩu lao động, giải quyết trợ cấp thất nghiệp v.v… Đặc biệt chúng ta đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Trước tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp Chính phủ đã chủ động đấu tranh ngoại giao, được sự đồng tình ủng hộ của các nước trong khu vực và quốc tế thông qua các cuộc tiếp xúc đàm phán song phương v.v… Có thể nói kỳ họp nào Chính phủ cũng báo cáo một bản báo cáo hết sức hoành tráng và có sức thuyết phục. Tuy nhiên, cử tri cả nước cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng:
          Thứ nhất, thu ngân sách của chúng ta đạt cao nhưng chất lượng cuộc sống của người dân lại đi xuống. Bởi vì không phải do sản xuất phát triển mà chúng ta thu được ngân sách cao, mà do lạm phát tăng cao nên chúng ta thu được ngân sách cao cho nên chất lượng cuộc sống của người dân đi xuống. Cho nên nhân dân rất băn khoăn và lo lắng việc này. Tôi đề nghị Chính phủ cần phải sớm nghiên cứu vấn đề này.
          Thứ hai, đồng tiền của chúng ta mất giá ghê gớm. Ngày xưa chúng ta phát hành tiền thì tính bằng tiền xu, nhưng bây giờ đi chợ tính bằng tiền nghìn, tức là mất giá đến 1.000 lần, lòng tin của nhân dân đối với đồng tiền bị giảm sút ghê gớm. Lãi suất ngân hàng quá cao cho nên doanh nghiệp và người dân không tiếp cận, nếu có tiếp cận được thì cũng không đủ trả lãi cho ngân hàng. Tôi đề nghị vấn đề này cần nghiên cứu. Đợt lạm phát lần trước chúng tôi đi giám sát thì các ngân hàng cho rằng chúng tôi đã cho vay dư nợ tín dụng hơn 30% mà ngân hàng quyết định dư nợ tín dụng không quá 20%, chủ yếu là thu hồi nợ. Lần này lạm phát tăng cao chúng ta cũng thắt chặt chính sách tiền tệ, dư nợ tín dụng quy định chặt hơn tức là dưới 20% thì càng khó khăn hơn nữa. Các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Đây là vấn đề mọi người hết sức lo lắng.
          Thứ ba, tình trạng tham nhũng, tai nạn giao thông, tình hình biển Đông chưa có nhiều hướng làm. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta còn rất yếu cho nên vấn đề này cần xem lại. Tai nạn giao thông không được kiềm chế mỗi năm chết khoảng 12 – 15 nghìn, bị thương từ 25 đến 30 nghìn người. Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Làm sao để nhiệm kỳ này cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa (đoạn này khi đưa vào biên bản lưu tại trang tin điện tử Quốc hội đã bị cắt- TDN). Tôi thấy những vấn đề tồn tại nêu trên trong Chính phủ mới cần phải có nghiên cứu để khắc phục làm sao điều hành trong Chính phủ mới tiến bộ hơn.
          Về 8 nhóm giải pháp chúng tôi cơ bản đồng tình như Chính phủ nêu. Trong này có 2 báo cáo, một báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu 10 giải pháp, nhưng báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì có 8 giải pháp. Chúng tôi bổ sung thêm một giải pháp thứ 9 tức là kích cầu bởi vì nếu chúng ta thắt chặt chính sách tiền tệ thì chắc chắn đến cuối năm kinh tế sẽ suy giảm, đã suy giảm thì đương nhiên phải có gói kích cầu, nếu không có thì từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp, người nông dân sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tôi đề nghị bổ sung thêm một gói kích cầu, tất nhiên gói kích cầu lần này tôi đề nghị phải khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân và doanh nghiệp. Chúng ta đầu tư cho vay mới để tập trung cho sản xuất, không như lần trước chúng ta đầu tư kích cầu chúng ta lại dùng đồng tiền đó đáo hạn ngân hàng thì không mang lại lợi ích thiết thực. Cho nên kích cầu lần này phải kích cầu trực tiếp cho người nông dân, doanh nghiệp và khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp.
          Đối với Chính phủ mới người dân rất tin tưởng và kỳ vọng sẽ làm chuyển biến được tình hình kinh tế – xã hội, trong giai đoạn phát triển mới cử tri cũng đòi hỏi thành viên Chính phủ phải có trái tim nóng bỏng, đầy nhiệt huyết nhưng cái đầu phải lạnh và phải có bàn tay sạch thì mới điều hành đất nước được. Nếu trái tim nóng bỏng nhưng cái đầu cũng nóng, quyết định sáng đúng chiều sai đến mai lại đúng thì rất gay cho nên phải có cái đầu lạnh toát để nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và phải có bàn tay sạch.
          Thứ hai là phải tiêu diệt được tham nhũng và kìm chế được tai nạn giao thông, quần đảo Trường Sa bây giờ do Trung Quốc chiếm cho nên chúng ta cũng phải kiên quyết chỗ này. Nhân dân bảo chống là chưa đủ mà phải tiêu diệt được tham nhũng, kìm chế tai nạn giao thông và duy trì được tốc độ phát triển kinh tế ổn định. Đó là những vấn đề nhân dân gửi gắm, các Bộ trưởng phát biểu rất hay trước báo chí nhưng cử tri có gửi gắm là nếu như không thực hiện đúng lời hứa của mình thì phải thực hiện văn hóa từ chức, theo Điều 87 của Luật tổ chức Quốc hội hoặc Điều 88, bỏ phiếu bất tín nhiệm các Bộ trưởng nếu như không hoàn thành nhiệm vụ hứa trước cử tri.
          Đối với cử tri Lâm Đồng nhân dịp kỳ họp này có kiến nghị với Đảng, Chính phủ và Quốc hội 6 vấn đề sau:
          Thứ nhất, phải đầu tư xây dựng ngay con đường vận chuyển bô xit, nhà máy bô xit sắp xong rồi tốc độ vận chuyển rất lớn, nếu đi chung con đường đó thì không đảm bảo cho nên đề nghị cho khởi công xây dựng ngay đường vận chuyển bô xit.
          Thứ hai, đề nghị trước mắt xây dựng con đường cao tốc Đà Lạt – Dầu Giây, từ nhiệm kỳ trước chúng tôi đã kiến nghị rồi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
          Thứ ba là cho nâng cấp ngay quốc lộ 20 và quốc lộ 27 để đảm bảo giao thông.
          Thứ tư là đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Đông Trường Sơn từ Đà Lạt lên Đà Nẵng, việc này rất chậm đã 4 năm từ nhiệm kỳ trước đến nay mà mới làm một đoạn cũng chưa xong.
          Thứ năm, theo nghị quyết của Chính phủ và nghị quyết của Đảng là xây dựng phát triển vùng Tây Nguyên, làm 3 hồ thủy lợi cho đồng bào dân tộc nhưng đã 10 năm mới làm được một cái, còn hồ Đạ Lây, Đạ Sị ở Cát Tiên và Đạ Tẻh là chưa làm.
          Thứ sáu, chúng tôi đề nghị nâng cấp thành phố Đà Lạt trực thuộc Trung ương và tỉnh Lâm Đồng về Bảo Lộc, trước đây là hai tỉnh. Đây là những kiến nghị của cử tri Lâm Đồng, chúng tôi sẽ theo dõi và theo đuổi cái này đến cùng. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.
(Nguồn: Truongduynhat.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét