Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Sự giận dữ “xuống đường”

TT - Những đám đông vỡ òa trong niềm vui hôm 18-8 sau khi cuối cùng chính phủ phải nhượng bộ và cho phép nhà hoạt động xã hội Anna Hazare tuyệt thực để phản đối tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng ở Ấn Độ đang bước sang một giai đoạn mới.
Những người ủng hộ ông Anna Hazare reo hò trước thông tin Chính phủ Ấn Độ cho phép ông Hazare tuyệt thực trong 15 ngày - Ảnh: AFP
Trước nhà tù Tihar, nơi ông Hazare bị giam giữ, những đám người reo hò “chúng tôi ở cùng ông”. Họ ca hát, chơi đàn và vẫy cờ. Họ đã cắm trại trước cửa nhà tù từ vài ngày qua để bày tỏ sự ủng hộ với nhà hoạt động 74 tuổi này. “New Delhi đã phải bãi bỏ những điều kiện phi lý và cho phép ông Anna tuyệt thực trong 15 ngày và ông ấy đã chấp nhận” - bà Kiran Bedi, một thủ lĩnh của lực lượng biểu tình và là nhân vật thân cận với ông Hazare, xác nhận.
Hai tuần tuyệt thực của ông Hazare bắt đầu ngay từ 15 giờ ngày 18-8 (giờ địa phương) tại công viên thành phố New Delhi. Một nhóm y bác sĩ sẽ túc trực để theo dõi tình trạng sức khỏe của ông, bởi bất cứ sự cố nghiêm trọng nào ảnh hưởng đến sức khỏe của ông cũng sẽ làm tình hình thêm tồi tệ như thỏa thuận được công bố sau cuộc họp khẩn vào sáng cùng ngày giữa những nhân vật thân cận của ông Hazare với ủy viên cảnh sát thành phố New Delhi.
"Chúng tôi không đùa chơi. Chúng tôi làm điều này để thúc đẩy sự phát triển của đất nước"
Kiran Bedi
Sự giận dữ bị dồn nén
Biểu tình bùng nổ sau khi nhà hoạt động xã hội Hazare bị bắt giam hôm 16-8 vì đã cự tuyệt đề nghị của cảnh sát chỉ được tuyệt thực trong ba ngày. Kế hoạch ban đầu của ông là tuyệt thực cho đến chết để đòi hỏi chính phủ đệ trình một dự luật chống tham nhũng cứng rắn hơn.
Ông Hazare đã trở thành một biểu tượng chống tham nhũng tại Ấn Độ bằng cách tuyệt thực và ông đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng. Tháng 4-2011, ông từng tuyệt thực trong bốn ngày để buộc chính phủ đưa ra dự luật thành lập một cơ quan giám sát tham nhũng mang tên Lokpal. Cơ quan này sẽ được trao quyền điều tra đối với các quan chức chính phủ dính líu đến tham nhũng.
Sự giận dữ của người dân Ấn Độ đối với tham nhũng được mô tả chưa bao giờ mạnh mẽ như lần này. Bị dồn nén từ lâu, cơn giận dữ như đã được thổi bùng lên bởi ngọn lửa Hazare. Hàng chục ngàn người đổ xuống đường phố New Delhi hôm 17-8 thành một cuộc diễu hành trong ánh nến lung linh để yêu cầu thả ông Hazare. Những hành động tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố ở khắp Ấn Độ như Mumbai, Chennai, Bangalore, Kolkata. Biểu tình diễn ra hầu như mỗi ngày tại Ấn Độ, nhưng các cuộc biểu tình quy mô lớn như lần này là hiếm thấy và thật sự gây bất ngờ cho chính phủ. 2.600 người tham gia ủng hộ ông Hazare đã bị cảnh sát bắt giữ, nhưng sau đó tất cả đều được thả.
“Chúng tôi không đùa chơi. Chúng tôi làm điều này để thúc đẩy sự phát triển của đất nước” - bà Bedi tuyên bố.
Thủ tướng lên tiếng
Sự phẫn nộ của người dân đối với nạn tham nhũng đang trở thành sức ép ngày một lớn đối với chính phủ, đặc biệt sau hàng loạt vụ bê bối bòn rút hàng chục tỉ USD công quỹ trong vài tháng qua. Tuy nhiên, việc bắt giữ nhà hoạt động xã hội Hazare cho thấy chính phủ đang bị dồn vào thế bí và không biết xử lý thế nào trước tham nhũng. Sức ép lên chính quyền được dự đoán sẽ tăng cao trong vài tuần tới khi các biện pháp chống tham nhũng được đưa ra.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh mới đây đã lên tiếng đáp trả khi chỉ trích ông Hazare “hoàn toàn hiểu sai” về dân chủ khi tuyệt thực để yêu cầu cải cách luật chống tham nhũng. Một số chính trị gia khác cũng không tán thành việc chống tham nhũng bằng cách tuyệt thực, bởi cho đây là một kiểu “hăm dọa để buộc chính phủ thực hiện các yêu sách cá nhân”.
Thế nhưng, tham nhũng từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối trong xã hội Ấn Độ. Theo báo cáo Minh bạch quốc tế năm 2010, Ấn Độ đứng hạng thứ 87 trên 178 quốc gia.
TRẦN PHƯƠNG (Theo Reuters, Guardian, NYT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét