Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Khi nhiều người quay lưng với giải thưởng

TT - 1. Xã hội đang có hai cực. Một đầu cực là nạn “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi (về hưu), chạy huân chương, chạy danh hiệu...
Đầu cực kia là từ chối danh hiệu: nhà văn Hồ Anh Thái, nhà thơ Hữu Thỉnh từng từ chối giải thưởng của Hội Nhà văn... Năm 2000, Nguyên Ngọc vắng mặt trong lễ trao Huân chương Độc lập dành cho ông. Ông cũng từng từ chối nhận Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên. Năm nay Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm cũng đề nghị rút khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh. Gia đình hai nhà văn Sơn Tùng, Sơn Nam cũng xin rút khỏi danh sách đề cử xét tặng Giải thưởng Nhà nước.
2. Thời gian chứng minh rằng các tác phẩm mới có giá trị vĩnh viễn; còn danh hiệu, chức vụ... chỉ là nhất thời. Xã hội nhớ tới Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Tuyên... vì nhớ tới sáng tác của các nhạc sĩ này chứ không vì họ đã có những giải thưởng gì.
3. Quan hệ giữa giải thưởng và người được phong tặng là quan hệ hai chiều.
Khi phong tặng đúng: a) Những công trình của người được giải sẽ làm giải thưởng thêm danh giá. b) Giải thưởng là một ghi nhận của cơ quan trao giải với cống hiến của cá nhân.
Nếu phong tặng sót: những chân tài không hề buồn phiền. GS Hoàng Tụy không được giải thưởng này nọ của Nhà nước nhưng tên tuổi ông được vinh danh trong lịch sử toán học thế giới là “cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục”.
Phong tặng sai: để vàng thau lẫn lộn sẽ giống như một máy xát gạo còn để sạn thóc lẫn trong gạo tám thơm. Lúc đó cái cơ chế phong tặng sẽ được xã hội đánh giá như cỗ máy xát gạo không đáng tin cậy. Hạt gạo không biết tự nhảy ra để phân biệt với sạn thóc, nhưng những chân tài luôn luôn biết tự trọng. Trong số rất nhiều người xứng đáng nhận giải thưởng, có những người chủ yếu do không màng tới danh lợi và cũng phần vì không muốn đứng chung với những người “thành công” trong việc “chạy giải thưởng” nên họ từ chối giải thưởng.
Năm 1973, Lê Đức Thọ từ chối nhận giải Nobel hòa bình danh giá. Ông không muốn gắn tên với Henry Kissinger (ngoại trưởng Mỹ thời Richard Nixon). Cả hai đều được nhận giải thưởng này do cuộc đàm phán Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.
Nhưng khá nhiều văn nghệ sĩ quay lưng với giải thưởng là tín hiệu khiến những người có trách nhiệm cần xem xét lại cái cơ chế trao tặng giải thưởng, phong tặng danh hiệu “ưu tú”, “nhân dân” cho các cá nhân thuộc những ngành nghề xã hội khác nhau.
NGUYỄN ĐỨC DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét