Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Thư của Nhà văn Nguyên Ngọc gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội

Posted by basamnews on 31.08.2011

Đây là bức thư của tôi gửi ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, chiều 25-8-2011.
Định là thư ngỏ, nhưng tôi chưa công bố ngay, mà gửi trước cho vài người bạn qua email để tham khảo ý kiến.
Không biết qua đường nào, ông Phạm Quang Nghị đã biết được thư này và tối 25-8 đã đến nhà tôi, trong khi tôi đi vắng. Sáng 26-8 ông ấy đã gọi điện thoại cho tôi, nói rằng có thể Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội “đã non nớt” trong khi phát phóng sự này.
Từ đó đến nay, tôi chưa công bố bức thư này để chờ xem của Đài PT-TH Hà Nội trả lời ra sao về việc làm sai trái của họ.
Nay đã có trả lời phủi tay và vô liêm sỉ của ông Trần Gia Thái, tôi quyết định đưa bức thư này ra trước công luận.
Nguyên Ngọc
 ———
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Ngày 25-8-2011
Kính gửi ông Phạm Quang Nghị,
Bí thư Thành ủy Đảng Cộng Sản Việt Nam thành phố Hà Nội,
Tôi viết thư này cho ông vì ông là Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam của thành phố Hà Nội, là người lãnh đạo cao nhất của thành phố này, đương nhiên chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của các tổ chức và cơ quan dưới quyền lãnh đạo của ông, không chỉ là tổ chức Đảng mà cả tổ chức và cơ quan chính quyền theo cơ chế ở nước ta hiện nay.
Tối ngày 22 tháng 8 năm 2011, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, trong chương trình thời sự hằng ngày của mình từ 18 giờ 30 đến 19 giờ, đã cho phát một phóng sự về những cuộc biểu tình và những người biểu tình ở Hà Nội trong thời gian vừa qua, mà chính ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố, đã trịnh trọng tuyên bố trong một cuộc họp báo trước đó là biểu tình yêu nước chống Trung Quốc gây hấn, đe dọa nghiêm trọng nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam. Vậy mà đến tối 22 tháng 8, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã quay ngược hoàn toàn, coi các cuộc biểu tình và những người biểu tình ấy là phản động, và trong khi nói như vậy đã đồng thời đưa rõ hình ảnh ba người là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải và tôi.
Thưa ông,
Tôi năm nay đã 80 tuổi. Cho đến nay, trong suốt cuộc đời 80 năm qua của tôi, chưa có ai dám vu khống và xúc phạm tôi nặng nề như đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, một cơ quan đặt dưới dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là ông. Ở nước ta, như chắc chắn ông biết, gọi một người là phản động cũng tức là kết tội người ấy là một tên phản quốc. Đối với tôi, đây là một sự lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng, nhất quyết không thể tha thứ.
Đài này còn sử dụng một thủ đoạn ti tiện mà tôi nghĩ ở tuổi ông hẳn có thể ông cũng từng được biết, vào thời cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm, dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là đại biểu của “quần chúng nhân dân” lớn tiếng vu khống và chửi bới chúng tôi trên một phương tiện truyền thông chính thức của Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội.
Tôi xin hỏi:
1 – Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là ông, có chủ trương và chỉ đạo việc thực hiện chương trình sai pháp luật và cực kỳ vô văn hóa này của đài phát thanh và truyền hình Hà Nội không?
2 – Nếu không có chủ trương và chỉ đạo đó, mà đây chỉ là hành động “tự phát” của đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, thì ai chịu trách nhiệm về việc làm sai trái nghiêm trọng này? Thành ủy Hà Nội sẽ xử lý những người đó như thế nào?
Bởi vì sự xúc phạm của đài Hà Nội là công khai, với toàn dân, với cả nước, cả thế giới, nên bức thư này của tôi là thư ngỏ, và tôi yêu cầu câu trả lời của ông cũng phải công khai.
Tôi và tất cả những người có lương tri yêu cầu và chờ đợi câu trả lời đó.
Trân trọng,
Nguyên Ngọc

Rút kinh nghiệm với phóng viên làm tin về biểu tình

Đài PT -TH Hà Nội có công văn trả lời các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Xuân DIện, Nguyễn Quang A... yêu cầu ông Tổng giám đốc Đài xin lỗi, cải chính một số nội dung đã phát sóng trong chương trình thời sự 18h30 ngày 22/8. 
Ngày 29/8/2011, Đài PT - TH Hà Nội đã nhận được bức thư đề ngày 26/8/2011 của các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Xuân DIện, Nguyễn Quang A và các ông bà khác yêu cầu ông Tổng Giám đốc Đài xin lỗi, cải chính một số nội dung đã phát sóng trong chương trình thời sự 18h30 ngày 22/8.

Hôm nay (31/8),, Đài PT -TH Hà Nội đã có công văn trả lời. Toàn văn như sau:

 

(theo website Đài PT - TH Hà Nội)

Chính phủ 1945 của Cụ Hồ bắt đầu từ đâu?

- Được thành lập trong “một cái nháy mắt của lịch sử”, chính quyền Việt Nam non trẻ đã đứng vững trong cuộc đối chọi được với quân Tàu Tưởng ở miền Bắc, quân Anh - Pháp ở miền Nam. Đó cũng là nhờ những tinh hoa nước Việt đã theo Cụ Hồ gánh vác những trọng trách trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc.
 
“Trí thức hoá” nội các

 
Điều hành guồng máy Đảng giành và giữ chính quyền trong thế “đơn thương độc mã” (essentially alone - chữ dùng của học giả David Marr - chưa nhận được ủng hộ từ khối Xô viết) là Ban thường vụ Trung ương bốn người, do Cụ Hồ đứng đầu. Ba uỷ viên Thường vụ còn lại là Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Võ Nguyên Giáp lại chính là nòng cốt của “nhóm Le Travail”, nổi tiếng thời kỳ Mặt trận bình dân 1936 – 1939 vì tờ báo cách mạng tiếng Pháp cùng tên.

Một số thành viên nữa của nhóm Le Travail, như Đặng Thai Mai, Khuất Duy Tiến, Phan Anh… dưới bàn tay dụng nhân của Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện trong thành phần nội các ở những thời điểm khác trong năm đầu của nền dân chủ cộng hoà này.


Đêm đầu tiên của ông Ké Tân Trào - Hồ Chí Minh ở Hà Nội 25 tháng 8, một danh sách nội các đã đợi Người trên bàn. Danh sách này đã đăng trên tờ Cứu quốc, ra ngày hôm trước. Nhưng, Cụ Hồ đã không ngại ngần “rút” khỏi đó năm lãnh tụ cộng sản, thay vào đó là các nhân sĩ nổi tiếng.  Thế là trong số 15 bộ trưởng, chỉ còn 6 người là đảng viên CSĐD.


Trường Thăng Long... “đào tạo” Bộ trưởng?


Trong ảnh chụp chính phủ ra mắt đầu tiên, dân chúng thấy có ba thầy giáo trường Thăng Long: Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hoè, Hoàng Minh Giám. Đây là những những đại diện nòng cốt của khối giáo viên và học sinh trường Thăng Long mà  tuyệt đại đa số đã đi theo cách mạng từ trước đó, thời tiền khởi nghĩa. Người dân sẽ nhận thấy thầy Nguyễn Dương làm Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam (từ tháng 2/1946); thầy Trịnh Văn Bính Thứ trưởng Bộ Tài chính (từ 11/1946), thầy Vũ Bội Liên (con tuần phủ thời) cán bộ Bộ Tư pháp, hy sinh ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp…

Chính phủ lâm thời nước VNDCCH
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Mái trường Thăng Long từng âm thầm chứng kiến sự ra đời và lớn mạnh của nhóm Le Travail trẻ (JC: Jeunese communiste), Đoàn thanh niên dân chủ, Đoàn thanh niên phản đế, Đoàn thanh niên cứu quốc… trong từng bước đi tới cách mạng tháng Tám. Nay nhiều cựu học sinh Thăng Long sẽ giúp tạo trụ cột của chính quyền mới, vào các ngành Nội vụ, Tư pháp, Cảnh sát, Thuế quan, quân đội… Báo Cứu quốc (15/10/46) báo tin Lý Chính Thắng bị Pháp giết dã man. Một cựu học sinh Thăng Long khác, Lê Trung Toản, chỉ huy Trung đoàn Thủ đô phòng thủ Hà Nội cuối 1946…

Tài đức “dành trợ dân này”


Một nhà đại trí thức gần gũi với nhóm trí thức Thăng Long là Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng Hội truyền bá Quốc Ngữ, cũng được mời vào nội các. Đó là vị bộ trưởng đầu tiên, Chủ tịch quốc hội đầu tiên của Việt Nam, hy sinh trong kháng chiến.


Từ đầu năm 1946, chính phủ Cụ Hồ được bổ sung thêm các trí thức Việt Minh Nam Bộ, để Chính phủ có thể điều hành cả một nửa kia của “sơn hà nguy biến”. Những tên tuổi Ca Văn Thỉnh, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Bạch, Trần Văn Giàu… đã lập tức hoà vào guồng máy việc công ở Hà Nội, chống thế “ngàn cân treo sợi tóc”.


...Một ngày giữa năm 1946, ông Võ Nguyên Giáp ghi vào kế hoạch công tác “(Nhớ) hỏi anh Bửu những người tài”.


Tạ Quang Bửu từng tu nghiệp ở các Đại học Sorbonne, Paris, Bordeaux, Oxford.


“Thanh niên tiền tuyến” thành tướng lĩnh cách mạng


Đồng Tổng Hướng đạo sinh Đông Dương Tạ Quang Bửu và Bộ trưởng Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim, ông Phan Anh lập ra trường Thanh niên tiền tuyến vào tháng 5/1945. Không hẹn mà nên, cùng lúc với Trường quân chính kháng Nhật huấn luyện cán bộ quân sự cách mạng.


Trưa 21 tháng 8/1945 hai học viên Trường Thanh niên tiền tuyến, trước mắt hàng ngàn dân Kinh đô Huế, đã hạ cờ quẻ ly của triều Nguyễn, treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài tại Ngọ Môn, như hồi chuông đầu “nguyện hồn” nền quân chủ một ngàn năm. Đó là các ông Đặng Văn Việt, ba năm sau sẽ khét tiếng là “Hùm xám trên đường số 4”, Cao Pha – một cán bộ quân báo đầu tiên, một anh hùng Điện Biên Phủ.


Những người lãnh đạo Thanh niên Tiền tuyến từ đầu đã để cho Việt Minh thâm nhập vào tổ chức của họ. Kết quả Cụ Hồ có thêm những chỉ huy quân sự đầu tiên xuất thân từ tầng lớp trên. Người dân đau đớn nghe tin con trai học giả Lê Thước, Lê Thiệu Huy - tham mưu trưởng liên quân Việt Lào đã hy sinh 26/3/46, khi tháp tùng Hoàng thân Souphanouvong. Nếu lực lượng học viên Iunker lập ra Bạch vệ, quyết liệt chống chính quyền xô viết, thì nhiều học sinh sĩ quan Trường “Thanh niên tiền tuyến” lại trở thành những tướng lĩnh cách mạng thông thái mà dày dạn trận mạc, như Cao Văn Khánh, Mai Xuân Tần, Đoàn Huyên, Phan Hạo, Tôn Thất Hoàng…


Một đồng Tổng Hướng đạo sinh nữa là nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý. Ngay sau Lễ tuyên ngôn Độc lập, ông được Hồ Chí Minh triệu tập để thành lập ra binh chủng đầu tiên của Quân đội Việt Nam – Thông tin Liên lạc. Một sĩ quan tham mưu đầu tiên, ông Trần Trọng Trung, nhớ mãi hình ảnh các đội mô tô đeo thẻ bài “Hoả tốc”, phóng xuống các vùng nông thôn xa chuyển phát các công văn mật, khẩn cấp của việc quân. Họ do một trí thức ngoài Đảng, ông Phạm Thành Vinh, lúc đó là Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, chỉ huy.


Tướng tình báo do phương Tây đào tạo


Năm 1950, giới thiệu Hoàng Đạo Thuý, tư lệnh thông tin, với tướng Trần Canh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho vị cố vấn Trung quốc này “choáng”. “Đồng tử quân (Hướng đạo sinh) phục vụ thông tin cho chiến dịch ư?” Trần Canh hỏi lại, vì Đồng tử quân ở Trung Quốc là lực lượng phản cách mạng. “Nhà chú” (Trung Quốc) không hiểu nổi đâu. Đây là Đồng tử quân Việt Nam mà”, Cụ Hồ đáp.


Lãnh đạo chủ chốt của công an, tình báo, an ninh đầu tiên của Việt Nam là do… tình báo phương Tây đào tạo. Khoảng năm 1944 Lực lượng nhiệm SOE của Anh, có “sáng kiến” đào tạo các tù cộng sản Việt Nam, bị Pháp giam ở hải ngoại, để tung vào hậu phương phát xít Nhật. Một số đảng viên đã tương kế tựu kế, dùng vỏ bọc này để mang vũ khí, khí tài, và nhất là kiến thức tình báo về phục vụ cách mạng.
 
Đó là các ông Lê Giản, phó giám đốc Sở Liêm phóng (Công an) Bắc Bộ đầu tiên; Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), trong ảnh Chính phủ liên hiệp kháng chiến 1946 là thứ trưởng Nội vụ; Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở Trinh sát Trung Bộ đầu tiên; Trần Hiệu, phó Giám đốc Sở CA Bắc Bộ, Hoàng Đình Rong (Vũ Đức), chỉ huy quân sự hy sinh ở Nam Bộ đầu kháng chiến. Đây là hiện tượng vô song trong lịch sử, vì các tình báo viên do phía đối phương đào tạo thường không thể trở thành lãnh đạo chủ chốt về an ninh, tình báo…

Cách dùng người như thế chỉ thấy ở Hồ Chí Minh.


Bộ trưởng không lương, nhận phụ cấp “cơm chan nước mắm”


Tri thức, tình yêu nước và biết “ăn cơm nhà vác ngà voi” có lẽ là những điều kiện cần để trí thức trở thành thành viên của chính quyền đầu tiên của nước Việt Nam DCCH. Hồi ký của các bậc lão thành cho biết “bữa ăn cơ quan” năm 1946 chỉ có cơm chan nước mắm, mà cũng không đủ.


Ông Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế đầu tiên, người Công giáo, nhớ lại trong những ngày nước sôi lửa bỏng 1946, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh và Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp từng có những lần chạy ào qua nhà ông, xem “còn cơm nguội không”… Nhưng trong kế hoạch làm việc năm 1946 của lãnh đạo ngành Nội vụ và LLVT Võ Nguyên Giáp, đã đôi ba lần xuất hiện câu: “(Lo) phụ cấp cho nhân viên cơ quan”.


Lê Đỗ Huy

Giải quyết vấn đề Biển Đông công khai minh bạch

- Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt - Trung cấp Thứ trưởng lần thứ hai ngày 28/8 đã khẳng định Việt Nam và Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua tham vấn và đối thoại và hướng tới giải pháp hai bên cùng có lợi.

Giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua tham vấn và đối thoại


Việt Nam và Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua tham vấn và đối thoại. Đó là cam kết được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. 


“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để bảo vệ vững chắc các lợi ích chiến lược chung, quan hệ toàn cục giữa hai nước cũng như hòa bình và ổn định trên Biển Đông bằng việc đẩy mạnh trao đổi thông tin, tham vấn và ngăn ngừa các kích động bên ngoài làm tổn hại đến quan hệ giữa hai quốc gia” - Bộ trưởng Lương Quang Liệt cho biết.


a
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt. Ảnh: VOV News
“Trung Quốc kiên trì giải quyết các tranh chấp thông qua các tham vấn và đối thoại. Hiện tại cả hai quốc gia nên nỗ lực để chủ động thúc đẩy phát triển chung, tin tưởng lẫn nhau và đẩy mạnh sự ổn định thông qua hợp tác” - ông Lương Quang Liệt nói.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc cùng Trung Quốc đẩy mạnh trao đổi thông tin, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa hai quốc gia, hai quân đội nhằm bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định trong khu vực. 


Trung tướng Nguyễn Chí  Vịnh cũng nhấn mạnh, hai quốc gia nên giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua các tham vấn thân thiện và tin tưởng lẫn nhau, không để bất cứ lực lượng bên ngoài nào làm tổn hại đến các quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. 


Hướng tới giải pháp hai bên cùng có lợi

Trong Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt - Trung cấp Thứ trưởng lần thứ hai ngày 28/8 tại Bắc Kinh - Trung Quốc, dưới sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, hai bên đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề, góp phần tăng quan hệ hữu nghị Việt - Trung.

Trung tướng Nguyễn Chí  Vịnh và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn khác biệt trong quan hệ hai nước. Theo Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, hiện nay điểm bất đồng và nhạy cảm nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp chủ  quyền ở Biển Đông, hai nước cần xử  lý thỏa đáng vấn đề này vì đại cục quan hệ Việt - Trung và ổn định khu vực.
“Hòa bình hai bên đều có lợi. Đối đầu hai bên đều thiệt hại”, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên nói.

Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đại cục với Trung Quốc và  mong muốn tìm được giải pháp hai bên cùng có lợi, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu rõ vấn đề Biển Đông có ba khía cạnh khác nhau nhưng liên quan mật thiết, đó là Tuyên bố chủ quyền của các nước liên quan; Xử lý mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc; Xử lý trên các diễn đàn đa phương. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tuyên bố chủ quyền vào nhiều thời điểm, nội dung và phạm vi khác nhau. Giải quyết vấn đề phải tôn trọng lịch sử nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế.


Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho rằng, các vấn đề trên Biển  Đông cần được xử lý theo luật pháp quốc tế - đó là, những vấn đề mang tính quốc tế  theo Luật Biển phải giải quyết trên bình diện quốc tế, những vấn đề liên quan đến nhiều nước cần phải giải quyết giữa những nước liên quan, những vấn  đề liên quan đến hai nước cần giải quyết song phương.
Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam - Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết hai nước với nhau, theo luật pháp quốc tế và công khai minh bạch: “Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc vì chính lợi ích của chúng tôi”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Trung tướng Nguyễn Chí  Vịnh cũng chia sẻ, để bảo vệ và xây dựng đất nước chỉ có một con đường là giữ  gìn độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ  và quan hệ tốt với cộng đồng thế giới, không thể có những điều đó nếu dựa vào nước này để chống nước kia. 


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu bật việc cần phải công khai, minh bạch trên các diễn đàn để nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất vấn đề Biển Đông trong mối quan hệ hữu nghị tổng thể giữa hai nước.


“Có thông tin đầy đủ và  chính xác là nhu cầu của hơn 80 triệu người dân Việt Nam và hơn 1 tỷ 350 triệu người dân Trung Quốc". Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.


Theo Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”.


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh thêm: “Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam, và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ  quyền. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc ở những khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế quy định, và về lâu dài sẽ tìm giải pháp xử lý mà hai bên có thể chấp nhận được, nhưng “trong lúc chưa phân định được, hai bên tuyệt đối không được sử dụng vũ lực và thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ  lực”. 


Minh Phạm
(Tổng hợp từ Xinhua, VOV News)

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Khi nhiều người quay lưng với giải thưởng

TT - 1. Xã hội đang có hai cực. Một đầu cực là nạn “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi (về hưu), chạy huân chương, chạy danh hiệu...
Đầu cực kia là từ chối danh hiệu: nhà văn Hồ Anh Thái, nhà thơ Hữu Thỉnh từng từ chối giải thưởng của Hội Nhà văn... Năm 2000, Nguyên Ngọc vắng mặt trong lễ trao Huân chương Độc lập dành cho ông. Ông cũng từng từ chối nhận Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên. Năm nay Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm cũng đề nghị rút khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh. Gia đình hai nhà văn Sơn Tùng, Sơn Nam cũng xin rút khỏi danh sách đề cử xét tặng Giải thưởng Nhà nước.
2. Thời gian chứng minh rằng các tác phẩm mới có giá trị vĩnh viễn; còn danh hiệu, chức vụ... chỉ là nhất thời. Xã hội nhớ tới Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Tuyên... vì nhớ tới sáng tác của các nhạc sĩ này chứ không vì họ đã có những giải thưởng gì.
3. Quan hệ giữa giải thưởng và người được phong tặng là quan hệ hai chiều.
Khi phong tặng đúng: a) Những công trình của người được giải sẽ làm giải thưởng thêm danh giá. b) Giải thưởng là một ghi nhận của cơ quan trao giải với cống hiến của cá nhân.
Nếu phong tặng sót: những chân tài không hề buồn phiền. GS Hoàng Tụy không được giải thưởng này nọ của Nhà nước nhưng tên tuổi ông được vinh danh trong lịch sử toán học thế giới là “cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục”.
Phong tặng sai: để vàng thau lẫn lộn sẽ giống như một máy xát gạo còn để sạn thóc lẫn trong gạo tám thơm. Lúc đó cái cơ chế phong tặng sẽ được xã hội đánh giá như cỗ máy xát gạo không đáng tin cậy. Hạt gạo không biết tự nhảy ra để phân biệt với sạn thóc, nhưng những chân tài luôn luôn biết tự trọng. Trong số rất nhiều người xứng đáng nhận giải thưởng, có những người chủ yếu do không màng tới danh lợi và cũng phần vì không muốn đứng chung với những người “thành công” trong việc “chạy giải thưởng” nên họ từ chối giải thưởng.
Năm 1973, Lê Đức Thọ từ chối nhận giải Nobel hòa bình danh giá. Ông không muốn gắn tên với Henry Kissinger (ngoại trưởng Mỹ thời Richard Nixon). Cả hai đều được nhận giải thưởng này do cuộc đàm phán Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.
Nhưng khá nhiều văn nghệ sĩ quay lưng với giải thưởng là tín hiệu khiến những người có trách nhiệm cần xem xét lại cái cơ chế trao tặng giải thưởng, phong tặng danh hiệu “ưu tú”, “nhân dân” cho các cá nhân thuộc những ngành nghề xã hội khác nhau.
NGUYỄN ĐỨC DÂN

Dũng khí trên nghị trường khó hơn dũng khí trên chiến trường

Gọi điện xin phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI vào buổi tối, giọng cụ mệt mỏi nhưng cụ vẫn đồng ý ngay. Hôm sau đến tôi mới biết lão tướng 85 tuổi vừa tham gia hành trình 8 ngày trên tất cả những nghĩa trang lớn, thắp hương cầu nguyện cho các liệt sĩ.
Thời điểm tôi gọi điện thoại là cụ vừa về đến Hà Nội, nhưng khi nghe tôi trình bày đề tài phỏng vấn, cụ đồng ý ngay vì “thời gian gần đây tôi đứng ngồi không yên, cứ nghĩ đến chuyện thời cuộc đất nước là tôi nằm đến 4h sáng cũng không ngủ được”.
“Khi đi thăm các nghĩa trang, tôi cảm nhận có lẽ các liệt sĩ vẫn chưa được thanh thản được, vẫn lo lắng về thời cuộc. Tôi nói: thôi các đồng chí đã hy sinh rồi, các đồng chí hãy yên lòng”.

Vị lão tướng trầm ngâm mở đầu buổi trò chuyện.
Bộ trưởng mà nghỉ cả tháng cũng chẳng ảnh hưởng gì thì hỏng

Quốc hội nhiệm kỳ mới vừa họp, một loạt các chức danh trong Chính phủ đã được công bố. Các tân bộ trưởng cũng đã ra mắt và có những phát biểu, hứa hẹn đầu tiên. Phát biểu của bộ trưởng nào khiến ông ấn tượng nhất
?
Tốt nhất hãy để thời gian trả lời, nói sớm không chính xác, không công bằng. Điều tôi quan tâm nhất là họ làm như thế nào, chứ không phải họ nói gì.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng nhận định ghế Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường là chiếc ghế nóng, "đến mức ai thoát ra cũng nhảy chân sáo". Với sự quan sát của một ĐBQH nhiều khóa, ông cho rằng chiếc ghế của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã nóng nhất chưa. Theo ông, lĩnh vực nào hiện nay cần sự quan tâm đặc biệt
?
Trên từng mặt trận đều có những vấn đề bức xúc, trong đó tài nguyên & môi trường là một mặt trận bức xúc. Không chỉ bức xúc cho nhiệm kỳ này, mà bức xúc cho nhiều nhiệm kỳ sau, 50 năm hay 100 năm sau của dân tộc Việt Nam.

Tôi tính riêng vụ Vedan đã gây ra một vụ hủy hoại sinh thái khủng khiếp như thế, trong khi cả nước này nếu làm nghiêm sẽ còn bao nhiêu Vedan khác nữa. Vì lợi ích kinh tế trước mắt phá hoại môi trường thì môi trường sẽ hủy diệt lại vấn đề kinh tế.
Giờ nhìn đâu cũng thấy khai thác khoáng sản, người ta chạy đua xuất khẩu mỗi năm tăng mấy chục % , nhưng trong mấy chục % đó có bao nhiêu phần phá hoại môi trường, trong khi môi trường là cái gốc tồn vong của đất nước.
Giống như câu chuyện xuất khẩu rồi lại nhập khẩu than là ví dụ. Thi đua xuất để ghi thành tích, hết rồi lại phải nhập để dùng. Khi xuất ông nói cũng phải, khi phải nhập ông cũng cho là đúng, hoàn toàn là ngụy biện. Cuối cùng chỉ có môi trường và người dân là chịu đủ.
Khi tôi còn là ĐBQH, ông Lê Huy Ngọ khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ ông (Lê Huy Ngọ) rất đau lòng về câu chuyện muối. Việt Nam có 3000km bờ biển mà ta phải nhập khẩu muối từ nước ngoài về.
Mục đích hay lợi ích trong những việc này thuộc về ai, điều này ông nhưng ông bộ trưởng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Thương mại phải trả lời cho bà con.
Khác lệ thường, khi nhậm chức mới tân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không hứa gì, phải chăng bà rút kinh nghiệm của người tiền nhiệm?

Nói như vậy là thỏa đáng. Nếu giờ phô trương, hứa hẹn nhiều quá nhưng kết quả hành động không được như vậy. Một người hứa hẹn nhiều chưa chắc là người nhiệt huyết hơn người không nói gì, quan trọng là sau đó họ sẽ làm thế nào, các ĐBQH và nhân dân sẽ giám sát lời nói và hành động của họ.
Bộ trưởng mà nếu có đi vắng hay nghỉ việc cả tháng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến lĩnh vực đó thì hỏng, thế nhưng số đó lại không ít đâu.
Giống như chuyện chất vấn trong QH, đại biểu chất vấn, bộ trưởng trả lời, hứa hẹn… rồi ngày mai mọi việc lại đâu vào đó thì việc chất vấn hay hứa hẹn đều chẳng có giá trị gì.
Trong suốt quá trình làm ĐBQH trong ba khóa liên tiếp, ông ấn tượng với vị Bộ trưởng nào nhất
?
Một người khiến tôi nhớ nhất là Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ. Ông làm việc trong thời điểm 3 – 4 bộ sát nhập với nhau. Theo quan sát của tôi, ông Ngọ là người vừa dám nói, vừa dám làm, vừa dám nhận khuyết điểm. Có lẽ ông Ngọ cũng là người duy nhất có văn hóa từ chức.
Tôi nhớ mãi hình ảnh ông ấy trong các lần về thị sát và thăm hỏi bà con vùng bão lụt, trông ông giống hệt một ông nông dân lội ruộng.
Một người nữa tôi cũng ấn tượng không kém là Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Thời kỳ khó khăn nhất trong quan hệ Việt – Mỹ, ông Tuyển đã có công rất lớn trong việc thúc đẩy bình thường hóa giữa hai nước.
Ngay cả khi rời ghế Bộ trưởng về làm cố vấn cho chính phủ, ông Tuyển vẫn đưa ra những ý kiến sắc sảo, quyết liệt mà các thành viên chính phủ không đưa ra được. Thậm chí nhiều ý kiến của ông Tuyển còn đi ngược với quan điểm của Chính phủ. Có thể nói, ông Tuyển là con người của khí phách, có tâm, có tầm.
Còn có nhiều người khác cũng khiến tôi nhớ, nhưng theo hướng tiêu cực: không những hứa suông mà nói một đường làm một nẻo; nói rất hay, rất mị dân nhưng hiệu quả công việc hoàn toàn ngược lại. Đối tượng đó tôi không tiện nêu tên ở đây.
Dũng khí trên nghị trường khó hơn dũng khí trên chiến trường

Ông từng nói: nghị sĩ phải có dũng khí như một chiến sĩ
?
Chất vấn QH chính là một cuộc đấu tranh, đấu tranh giữa các quan điểm, giữa đúng và sai, giữa tích cực và tiêu cực… Nhưng nghị trường và chiến trường khác nhau. Rất nhiều người cầm súng trên chiến trường rất dũng cảm, nhưng ở nghị trường dũng khí lại mất đâu hết cả.
Khi trước mặt là kẻ thù, sau lưng là dân tộc, người chiến sĩ không có quyền lợi gì, trên vai mang ba lô nhỏ với bộ quần áo sờn quyết chiến đấu để bảo vệ nhân dân. Giờ trên nghị trường, họ lại phải cân nhắc: khi nói ra một điều thì họ được gì và sẽ mất gì cho bản thân.
Xưa hi sinh là vì tổ quốc, bây giờ không thể hi sinh trên nghị trường vì tổ quốc. Dũng khí trên nghị trường khó hơn nhiều dũng khí trên chiến trường.
Giữa những trên – dưới, bạn bè, trước – sau, lợi – hại… Cuộc đấu ở nghị trường là cuộc đấu ‘tế nhị’, khó hơn nhiều vì họ phải thử thách và vượt lên chính mình.
Và dũng khí người lính/nghị sĩ của ông được kể lại trong giai thoại đòi Chủ tịch hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười từ chức
và hùng hồn tuyên bố trước QH: không có ông bộ trưởng nào qua mặt được tôi?
(Cười) Vụ này cũng lâu rồi, từ QH khóa IX. Khi đó Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười mới mở ra vấn đề đổi mới. Trong một lần họp QH, ông Đỗ Mười than: “Tôi làm Chủ tịch hội đồng bộ trưởng mà “mấy thằng” bộ trưởng tôi không điều khiển được”.

Tôi đứng dậy nói luôn: “Thưa anh Đỗ Mười, anh làm Chủ tịch hội đồng bộ trưởng mà không điều khiển được các bộ trưởng thì anh nên từ chức. Tôi làm Tư lệnh quân khu, tôi ra lệnh cho các sư trưởng cấp dưới, nếu người nào không chấp hành thì một là anh ta nghỉ hai là tôi nghỉ, không thể hai anh cùng tồn tại”.
Lát sau nghỉ giải lao ra hành lang, một nhà báo thân tình nói nhỏ: “Bác chết đến nơi rồi!” Tôi bảo: “Chết thế nào được!” .
Chuyện bộ trưởng thì cũng đúng. Tôi tự tin vì được nhiều chuyên gia, các học giả và nhân dân giúp sức cung cấp tài liệu để đủ cơ sở để ‘kiểm tra chéo’ lời nói và việc làm của các ông bộ trưởng, lơ mơ là tôi chỉ ngay.
Tôi không phải khoe, nhưng tôi làm mọi việc từ trong tim. Năm 2001, vợ tôi bị tai biến rồi liệt, khi đó tôi đang là ĐBQH vẫn sáng họp QH, trưa về chăm vợ vừa đọc tài liệu, chiều lại vào họp.
Trong lúc làm việc cũng có điều tôi nói có thể đúng, có thể sai, có thể hiệu quả hay chưa thật hiệu quả; nhưng tôi đều cố gắng nêu hết những vấn đề đáng quan tâm, không có gì phải cân nhắc lợi – hại cho bản thân. Bộc lộ hết, nói hết, nói thẳng thừng!.
Tuy giờ tôi đã về hưu rồi, nhưng không ngày nào tôi bỏ qua các tin tức về tình hình đất nước. Từ hôm 26/5, phía Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh đến nay không ngày nào tôi ngồi yên. Tôi đã gọi điện cho nhiều đơn vị, Tổng biên tập các tờ báo, tôi cũng gửi thư chia sẻ quan điểm với Bộ Chính trị về tình hình hiện nay.
Tình hình nước sôi lửa bỏng vậy, một ông già sắp 85 tuổi như tôi cũng không thể ngồi yên được.
Mong Bộ trưởng Quốc phòng đặc biệt quan tâm tới an ninh biển

Là một lão tướng quân đội, lại từng là ĐBQH nhiều khóa, ông có lời động viên hay nhắn nhủ nào tới Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh
?
Trách nhiệm của quốc phòng hiện nay rất nặng nề, đặc biệt là trách nhiệm của lực lượng hải quân trên Biển Đông cực kỳ nặng nề khi được Bộ Quốc phòng giao trọng trách bảo vệ gần 1.000.000 km2 biển, bằng ¾ lãnh thổ. Như vậy riêng hải quân đã gánh trách nhiệm gấp ba trong việc bảo vệ lãnh thổ.
Cho nên, Bộ Quốc phòng phải hết sức chú trọng đầu tư tiềm lực để bảo vệ chủ quyền biển. Với chức danh là người đứng đầu Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm trước toàn dân về nhiệm vụ quốc phòng, tôi mong Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến an ninh biển.
Không chi thế, Bộ Quốc phòng và người đứng đầu bộ phải kéo bằng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị - xã hội, bộ máy Nhà nước, Chính quyền cũng như bộ máy Đảng và 84 triệu người dân ủng hộ quân đội tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng xây dựng, bảo vệ biển đảo.
Riêng hải quân và quân đội là nòng cốt trong sức mạnh tổng hợp đó, chứ nếu đơn thương độc mã thì không chỉ trên biển, mà ngay trên đất liền lực lượng này sẽ không thể bảo vệ được đất nước. Bài học đó chúng ta đã quá biết qua bao cuộc chiến chống xâm lược trong quá khứ.
Bảo vệ biển không phải chúng ta chuẩn bị gì đó cho sự đụng độ vũ trang, đó không bao giờ là lựa chọn của một quốc gia hòa bình. Sức mạnh ở đây là tổng hòa của kinh tế, chính trị, ngoại giao và các phát triển khác.
Khi sự việc cắt cáp tàu Bình Minh xảy ra, nhiều người hỏi tôi sao Bộ quốc phòng không đưa lực lượng hải quân ra. Tôi cho rằng họ không hiểu: một dân tộc đã chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh như Việt Nam lúc nào cũng chỉ muốn hòa bình.
Chúng ta không gây hấn với ai cả, nhưng nếu ai cố tình xâm phạm thì chúng ta quyết chống để bảo vệ đất nước.
Chúng ta yêu hòa bình, quyết giữ hòa bình, nhưng chỉ có thể gọi là hòa bình khi chúng ta giữ được toàn vẹn lãnh thổ mà không xảy ra đụng độ, xung đột. Còn nếu phải đánh đổi mất đất, mất biển để lấy một cái hòa bình con con của vài người thì hoàn toàn vô nghĩa.
Chúng ta hãy nhớ bài học chống Mỹ: người Mỹ thua Việt Nam ngay trên đất Mỹ khi hàng triệu người Mỹ yêu hòa bình đã phản đối chính phủ Mỹ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tôi tin 1,3 tỷ người dân Trung Quốc không phải ai cũng hung hăng đòi ‘nuốt’ Việt Nam. Chúng ta cũng phải làm thế nào để những người dân Trung Quốc bình thường, nhân ái, yêu hòa bình ủng hộ chúng ta.
Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hường

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Lộ rõ hệ lụy của cơ chế bao cấp

TT - Đó là ý kiến của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương - xung quanh chuyện “lùm xùm” về việc phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đang được dư luận quan tâm.
Ông Đoàn gợi ý nên tham khảo mô hình của Giải thưởng Phan Chu Trinh, trong đó phải chủ động tìm kiếm tác phẩm, có bản đề cử khoa học và thuyết phục.
Ông Lương Xuân Đoàn - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Ông Lương Xuân Đoàn (phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương): Giải thưởng và danh hiệu dự kiến sẽ công bố vào đúng dịp Quốc khánh năm nay. Nhưng tôi nghĩ đến giờ này mà Hội đồng cấp nhà nước vẫn chưa họp được thì chắc là không kịp rồi. Có quá nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra và dù có công bố kịp hay không, đây cũng là những giọt nước làm tràn ly để cả cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp và bản thân nghệ sĩ nhìn lại mình.
"Phải thừa nhận ngoại trừ đợt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên năm 1995, tất cả các đợt trao giải tiếp theo đến nay (2001, 2007, 2011) đều có nhiều chuyện lùm xùm, kiện cáo. Chưa bao giờ chuyện kiện cáo lại trở nên ầm ĩ, nặng nề và rất “khó coi” về giới văn nghệ sĩ trong con mắt công chúng như vậy"
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn
* Thưa ông, nhiều quan chức có trách nhiệm khi được chất vấn về việc tại sao có tên người này mà không có tên người kia, trao cho tác phẩm này mà không phải tác phẩm khác đều viện dẫn...quy chế? Vậy quy chế do ai soạn thảo?
- Những nghị định và thông tư về việc xét tặng giải thưởng và danh hiệu đều được soạn thảo từ những năm 1990. Khi đó, khái niệm “đoàn nghệ thuật nhà nước”, “họa sĩ biên chế”, “nhà văn biên chế”... còn phổ biến như một chuyện đương nhiên trong xã hội.
Hội diễn, liên hoan tổ chức định kỳ và việc các đoàn nghệ thuật, các hãng phim nhà nước chia huy chương cũng là chuyện bình thường. Nhưng đến năm 2011 mà còn đem những tiêu chí: “15 năm công tác liên tục” hay “2 huy chương vàng hội diễn” ra quy đổi thì thật hài hước.
Văn chương cũng vậy, hơn 20 năm về trước, được in một cuốn sách là cả một sự kỳ công, xếp hàng dự giải thưởng Hội Nhà văn hay thi sáng tác ở một nhà xuất bản, tờ báo nào đó là cả một kỳ vọng, một niềm vinh dự. Giờ này ai cũng có thể in sách miễn không vi phạm pháp luật, các giải thưởng thường niên nhạt dần ý nghĩa và thậm chí nhiều nhà văn còn xin rút khi nghe mình có tên trong vòng chung khảo. Nhưng như thế không có nghĩa là những nghệ sĩ tự do không có huy chương, những nhà văn ngoài hội không có giải thưởng là kém tài năng, là không ảnh hưởng tới xã hội.
Tôi xin nhắc lại trường hợp Trịnh Công Sơn, ai có thể phủ nhận ảnh hưởng xã hội của ông, dù ông không được đề cử giải thưởng nào bao giờ. Hay những Nguyễn Huy Thiệp trong văn học, Thái Bá Vân và Phan Cẩm Thượng trong hội họa, họ lọt ra ngoài những cái “khung” của các nghị định, thông tư cứng nhắc kia.
Quy chế cũng không tiên liệu được những trường hợp như Trọng Tấn hay Bùi Công Duy, “năm tháng công tác” chẳng có ý nghĩa gì khi, dù còn rất trẻ tuổi, tài năng và cả đạo đức nghề nghiệp của họ không chỉ được một mà nhiều thế hệ công chúng thừa nhận. Chính sách càng trở nên bất cập khi bắt những người như nhạc sĩ Phạm Tuyên hay nhà văn Nguyên Ngọc phải “làm hồ sơ xin giải thưởng”. Cơ chế bao cấp của 30 năm trước vẫn lộ rõ hệ lụy của nó trong những quy định cứng nhắc này.
* Nhưng thưa ông, cứng nhắc thì vẫn phải tuân theo, vì nó là luật. Dư luận chỉ bức xúc vì các điều khoản trong văn bản pháp quy lại được giải thích theo những cách bất lợi cho nghệ sĩ...
- Ai cũng biết luật không bao giờ tiên liệu được các tình huống trong đời sống và các văn bản của Nhà nước luôn cần được điều chỉnh để hoàn thiện hơn. Nhưng vấn đề là ai sẽ là người chỉ ra những bất cập ấy? Trong trường hợp cụ thể là trao tặng giải thưởng và danh hiệu này, theo tôi, trách nhiệm là ở các hội đồng cơ sở, nghĩa là chính ở nơi các nghệ sĩ gần gũi nhau nhất, hiểu nhau nhất, đánh giá chính xác nhất về đồng nghiệp của mình.
Cá nhân tôi đã rất buồn và thất vọng khi trong danh sách của Hội Mỹ thuật đưa lên hội đồng cấp bộ thiếu vắng những cái tên không chỉ giới họa sĩ mà cả công chúng rộng rãi vô cùng yêu quý và tôn trọng như Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng... Tôi được giải thích là Thái Bá Vân chỉ có một cuốn sách (thay vì ba như quy chế), Nguyễn Quân không tốt nghiệp đại học chuyên ngành... Những lý do như thế không thể thuyết phục được người làm nghề.
Bên Hội Nhà văn, theo tôi, nếu Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh...không chủ động làm hồ sơ, Hội Nhà văn hoàn toàn có thể chủ đông giới thiệu các nhà văn này, làm hồ sơ và đề nghị họ làm cử chỉ mang tính thủ tục này. Không thể nói Hội Nhà văn không ai biết gì về tác phẩm và những cống hiến của hai nhà văn này.
Bấy lâu dư luận bức xúc và chất vấn Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, theo tôi, còn có phần “oan uổng”, bộ chỉ xét những trường hợp hội đồng cơ sở đưa lên, hội đồng cơ sở thì “toàn nghệ sĩ với nhau”. Bộ cũng chỉ xét những trường hợp kiện cáo, khiếu nại. Trong khi đó, với lòng tự trọng, việc làm hồ sơ một lần cũng đã là quá sức nghệ sĩ và gia đình.
Thiếu sự liên tài, thiếu sự thừa nhận lẫn nhau, thậm chí có cả sự thiếu trung thực, bè phái... trong hội đồng cơ sở, nói thẳng ra là thiếu tình nghệ sĩ với nhau, nên những sự thừa thiếu, sai sót trong việc xét duyệt từ hội đồng cơ sở là tất yếu.
* Thưa ông, vậy mô hình Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú có còn thích hợp với đời sống tinh thần của xã hội không? Và nếu vẫn muốn duy trì mô hình này, cần có những cải cách gì trong quy trình thực hiện?
- Một khi Nhà nước vẫn còn có ý định tôn vinh các giá trị sáng tạo của văn nghệ sĩ, các giải thưởng và các danh hiệu vẫn là cần thiết.Quy chế do chúng ta đặt ra, chúng ta cũng có thể thay đổi. Chắc chắn sau những ầm ĩ không đáng có về giải thưởng này, Nhà nước sẽ có kế hoạch soạn thảo lại các quy chế liên quan cho thích hợp với sự phát triển của xã hội.
Trong khi chờ đợi những văn bản chính thức, tôi nghĩ hội đồng xét giải các cấp rất nên xem xét tham khảo mô hình của giải thưởng Phan Chu Trinh: các thành viên của Hội đồng khoa học chủ động tìm kiếm tác phẩm để đọc và nghiên cứu, sau đó chủ động đề cử với bản đề cử khoa học và thuyết phục như một luận văn.
Hội đồng có người phản biện để đi đến thống nhất.Các cá nhân được giải thậm chí không biết mình đã được đề cử, đừng nói đến chuyện phải làm đơn xin hay làm hồ sơ. Chỉ là một giải thưởng của một quỹ văn hóa không lớn, nhưng từ khi có giải Phan Chu Trinh đến nay, chưa hề có ý kiến phản đối nào, cả giới chuyên môn cũng như dư luận đều đồng thuận và đánh giá rất cao. Vậy tại sao các giải thưởng nhà nước lại không tham khảo?
THU HÀ thực hiện
________________________

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tác phẩm được đề cử phải có sức sống
Được tặng Giải thưởng Nhà nước hay Giải thưởng Hồ Chí Minh là vinh dự lớn, bởi đó là công lao đóng góp của tác giả trong đời sống văn học nghệ thuật. Nhưng một trong những đặc điểm (tôi không nói rộng mà chỉ riêng âm nhạc) là tác phẩm cần có sự lan tỏa, ghi nhận trong đời sống. Tôi vẫn thường nói tôi sáng tác nhạc nhưng có hai vị giám khảo công minh nhất đó chính là thính giả và thời gian.
Có những tác phẩm được thích hôm nay nhưng ngày mai người ta quên. Ví dụ ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng, tôi viết ngày hôm trước thì ngày hôm sau cả nước thuộc. Các đồng chí lãnh đạo đài (Đài Tiếng nói Việt Nam) nói thế này thì phải tặng thưởng mới được. Tuy nhiên, một ca khúc mới ra đời cũng cần phải xem xét xem có vượt được thời gian hay không.
10 năm sau (1985), lúc ấy lãnh đạo đài nhận định ca khúc ngày càng nhiều người hát, nó còn mang thông điệp quốc tế nữa. Vậy nên đề nghị Nhà nước khen tặng. Và đây cũng là lần đầu tiên một ca khúc được tặng thưởng Huân chương Lao động. Và bây giờ, gần 40 năm sau, ca khúc ấy vẫn vang lên ở rất nhiều nơi, nhiều dịp khác nhau và hàng triệu người thuộc giai điệu của ca khúc ấy.
Do đó, tôi cho rằng chỉ nên tặng khi nào ghi nhận được sự lan tỏa của tác phẩm đối với đời sống. Nhưng không cứ phải hai hay năm năm, tiêu chí quan trọng là được dư luận xã hội, công chúng, những người trong nghề nghiệp công nhận.
Đặng Thái Sơn là một ví dụ, khi anh ấy đoạt giải thưởng trong cuộc thi Chopin thì được phong tặng danh hiệu NSND ngay, chẳng cần phải có dịp nào. Hay như cố NSND Lê Dung, khi được tặng danh hiệu NSND cô ấy bảo tôi: “Cháu là NSND trẻ nhất, cũng chẳng nhân dịp nào”. Tại sao cả Lê Dung và Đặng Thái Sơn đều được nhận danh hiệu ấy khi còn trẻ? Bởi vì ảnh hưởng của họ quá lớn đối với xã hội. Nếu cứ chờ thời gian, chờ huy chương mới tặng thì biết đến khi nào!
Cũng chẳng có quy định nào cho rằng tác phẩm này chỉ hay trong năm nay, còn 10 năm không được hay nữa. Nếu một tác phẩm có sức sống, dù đã lâu rồi thì giờ chúng ta cũng có thể xét tặng. Ví dụ so với Thời xa vắng của Lê Lựu, tác phẩm mới như Sóng ở đáy sông của Lê Lựu (tác phẩm được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này) thì sức lan tỏa và vai trò không thể bằng.
Việc đặt ra giải thưởng rất quan trọng, rất cần, nhưng cách trao giải và quy chế hiện nay theo tôi là quá lỗi thời. Muốn trao giải thưởng phải có một quy chế khác phù hợp hơn.
Đầu tiên, cần thay đổi hội đồng thẩm định, nếu hội đồng thẩm định không am hiểu vấn đề thì không thể công minh được. Sau nữa là không nên quy định thời gian cứng nhắc. Nếu cứ phải bao năm, bao nhiêu huy chương... xin thưa, cách làm đó sẽ bỏ rơi rất nhiều năng khiếu cần động viên.
Một tác phẩm nghệ thuật đạt được yêu cầu không dễ, trong cuộc đời sáng tác của một nghệ sĩ không phải lúc nào cũng sáng tác được những tác phẩm vượt trội. Vậy thì phải đánh giá quá trình hoạt động, đóng góp của tác giả ấy đối với đời sống văn học nghệ thuật.
Những ngày đầu trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nguyễn Đức Toàn, Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu... là trao cho cả một quá trình sáng tác, đóng góp đối với đời sống âm nhạc chứ có phải trao riêng cho tác phẩm nào đâu! Thế nên trong thời kỳ đầu tặng giải thưởng có sự đồng tình của công chúng rất lớn.
HOÀNG ĐIỆP ghi

Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

TT - Liên quan đến việc đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, chiều 26-8 Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã chủ trì cuộc họp bàn về việc “đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên” với sự tham gia của các bên liên quan: Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Vụ Thi đua và khen thưởng (Bộ VH-TT&DL), Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thủ tướng, Ban Tuyên giáo trung ương, Cục Nghệ thuật biểu diễn...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Ảnh: H.Điệp 
Sau khi nghe ý kiến của các bên tham dự, cuộc họp đã đi đến kết luận: nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và đưa danh sách các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên vào diện xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010.
Chiều 27-8, đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trực tiếp đến nhà nhạc sĩ Phạm Tuyên đưa công văn này (do chủ tịch Đỗ Hồng Quân ký ngày 27-8), đồng thời đề nghị nhạc sĩ Phạm Tuyên gửi bản đăng ký tác phẩm, công trình theo mẫu về Hội Nhạc sĩ Việt Nam trước ngày 10-9.
Như vậy, theo thời hạn của Hội Nhạc sĩ đưa ra, việc trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm nay sẽ lùi lại muộn hơn dịp 2-9 như mọi lần.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung công văn, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng ông sẽ nghiên cứu về việc đăng ký các tác phẩm bởi nhạc sĩ vẫn nhất quán cho rằng ông không viết đơn xin giải thưởng. Trong công văn gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng chỉ gửi kèm theo “bản đăng ký tác phẩm công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh” chứ không hề có đơn xin giải thưởng.
HOÀNG ĐIỆP

Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL Tô Văn Động vừa cho biết Hội Âm nhạc Hà Nội đã gửi đơn xin đặc cách trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên lên Thành ủy Hà Nội và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có bút phê gửi bộ trưởng Bộ VH-TT&DL xem xét từ tháng 3-2011. Do các thủ tục hành chính máy móc, tuần qua bộ trưởng Bộ VH-TT&DL mới nhận được đơn thư này và chiều 26-8 mới tổ chức được cuộc họp trên.
V.H.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Thêm một nhà văn xin rút tên khỏi Giải thưởng Nhà nước

TT - Gia đình nhà văn Sơn Nam vừa gửi lời đề nghị cho lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam với nội dung “xin cho cha tôi là nhà văn Sơn Nam được rút tên ra khỏi danh sách đề cử xét tặng Giải thưởng Nhà nước”.
Trong bản đề nghị ký ngày 25-8, bà Đào Thúy Hằng - trưởng nữ nhà văn Sơn Nam - đại diện gia đình nêu một số lý do khiến gia đình có quyết định như trên, trong đó có lý do: “Việc hệ trọng này, đúng ra cha tôi phải là người quyết định”, đồng thời gia đình cũng nêu thêm: “Lúc sinh thời, cuộc sống của ông luôn giản đơn, bình dị” và “Khi đưa ra xét thưởng sẽ có những ý kiến đóng góp khác nhau, điều này có thể làm buồn lòng người quá cố”.
Bản đề nghị được gửi cho ông Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - kèm giấy xác nhận quan hệ cha con giữa bà Hằng và nhà văn Sơn Nam (tên thật là Phạm Minh Tày).
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ ngày 26-8, phía gia đình nhà văn Sơn Nam nêu nguyện vọng: “Chỉ muốn ông (nhà văn Sơn Nam - PV) được thanh thản, yên nghỉ”.
Vừa qua, nhà văn Sơn Nam với hai tác phẩm là Hương rừng Cà Mau (tiểu thuyết) và Hai cõi U Minh (tập truyện ngắn) có tên trong danh sách các tác giả có tác phẩm được hội đồng cấp bộ - Bộ VH-TT&DL đề nghị hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (lĩnh vực văn học).
Như vậy, đến nay đã có bốn nhà văn, nhà thơ xin rút khỏi danh sách đề cử xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh: nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà văn Nguyên Ngọc.
LAM ĐIỀN

Thông tin sai sự thật trên báo chí có chiều hướng gia tăng

KTĐT - Trong hai ngày 24 và 25/8, tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Bộ Thông tin-Truyền thông đã tổ chức hội thảo:“Chống sai phạm trên báo chí” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chítrong cả nước.

Theo Cục Báo chí, Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, trong 2 năm 2009 và 2010, các cơ quan này phát hiện, tham mưu cho Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý kịp thời 82 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hành chính gần 470 triệu đồng. Đáng chú ý là hành vi thông tin sai sự thật có chiều hướng tăng và chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số vụ vi phạm, năm 2009 là 22,5%, năm 2010 là 24% và trong 7 tháng năm 2011 là 33%.

Tại hội thảo, Cục Báo chí nhấn mạnh, các loại sai phạm về thông tin hay gặp trên báo chí thời gian qua tập trung vào việc đưa thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia và nhân dân; thông tin thể hiện nhận thức chính trị sai lệch, thông tin không xác minh, sai sự thật... hay những thông tin xâm phạm đời tư và xúc phạm danh dự nhân phẩm của công dân. Bên cạnh đó, việc thông tin về nhiều vụ việc, vụ án đang điều tra thiếu cẩn trọng, đưa tin không chính xác, mang tính quy chụp, không chứng minh được nguồn tin. Việc đặt sai tít bài, thông tin sai sự thật về các vấn đề xã hội và thông tin sai tên, chức danh nhân vật và địa danh cũng dẫn đến những hệ lụy cho xã hội...

Để khắc phục những lỗi trên, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp chống sai phạm trên báo chí. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quy định về hoạt động của cơ quan báo chí, nhà báo; tăng cường vai trò kiểm soát, định hướng thông tin của các cơ quan quản lý báo chí; tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, đồng thời phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo khi tham gia tác nghiệp...

Đức Thọ

Liên quan đến văn bản đóng dấu treo của UBND thành phố Hà Nội ngày 18/8/2011


Luật sư Hà Huy Sơn


Ngày 18/8/2011, có một văn bản đóng dấu treo của UBND thành phố Hà Nội, không người ký, không số hiệu, ghi là: “Thông báo của UBND thành phố Hà Nội Về công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội” , trong đó nội dung trích: “Để duy trì ổn định an ninh trật tự ở Thủ đô, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn Thành phố”.

1- Tính hợp pháp

- Khoản 1, Điều 3, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004, quy định:

Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong hệ thống pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân còn phải phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.”

- Khoản 1, Điều 1 “Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân”, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004, quy định:

“Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân được ban hành dưới hình thức nghị quyết. Văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân được ban hành dưới hình thức quyết định, chỉ thị.”

- Khoản 2, Điều 1, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03/6/2008, quy định:

“Văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”.

Như vậy, Thông báo ngày 18/8/2011, đóng dấu treo của UBND thành phố Hà Nội không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật thì có quy định nào bắt buộc phải thực hiện?

2 – “Biểu tình” không đồng nhất với “ Tập trung đông người”

Biểu tình: Tụ họp với nhau lại hoặc diễu hành trên đường phố để biểu thị ý chí, nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng, thường nhằm mục đích gây sức ép gì đó (Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên NXB Đại học quốc gia năm 2010, tr 122).

Tập trung: Dồn lại, tụ họp ở một chỗ, một nơi (Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên NXB Đại học quốc gia năm 2010, tr 1.444). Tập trung đông người là: Đông người dồn lại, tụ họp ở một chỗ, một nơi.

- Điều 69, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung 2001: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

- Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh”, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng:

“Nghị định này quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự công cộng”.

Toàn văn Nghị định số 38/2005/NĐ-CP không có một từ nào là “biểu tình”.

Chưa có một văn bản nào dưới Hiến pháp quy định cấm biểu tình.

Theo như đã dẫn ở trên thì về hình thức “biểu tình” và “tập trung đông người trái pháp luật” rất giống nhau, nhưng về bản chất pháp lý là hoàn toàn khác nhau. “Biểu tình” là hợp pháp, “tập trung đông người trái pháp luật” là vi phạm pháp luật. Logic của vấn đề là: Một hành vi không thể là hợp pháp lại là phạm pháp. Tức không thể nói một người vừa có hành vi “biểu tình” vừa có hành vi “tập trung đông người trái pháp luật” mà chỉ có thể là “biểu tình” hoặc “tập trung đông người trái pháp luật”.

Sáng Chủ nhật ngày 21/8/2011, tại Hồ Hoàn Kiếm những người thực hiện biểu tình bị bắt và bị lập biên bản về hành vi “biểu tình” là căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào? Nếu hành vi của họ không phải là “Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật” thì không thể xử lý theo Nghị định số 38/2005/NĐ-CP.

Hà Nội, ngày 24/8/2011

H.H.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Đừng có hỏi

Đừng có hỏi tại sao tôi hay bức xúc
Đừng vội quy kết nọ kia lập trường có vấn đề
Đừng cố gán cho tôi tội tuyên truyền này khác
Đừng dò xét điều tra chuyện nọ chuyện kia

Rất đơn giản
dù các anh cố tình không muốn biết
Tôi phải chỉ ra, dù một lần thôi
Hãy xử sự công bằng cả dân và vua chúa
Trước pháp luật sao cho chẳng ai chịu thiệt thòi

Cô gái trẻ chưa đầy đôi mươi tát anh cảnh sát
hai cái thôi, nhận về 9 tháng tù
Anh đại úy an ninh co chân đạp mặt người yêu nước
Chẳng bộ luật nào dám hó hé đôi co

Tôi chẳng bênh cô gái
Gieo gì gặt nấy thôi
Nhưng sao người gieo-gặt
Chỉ dân đen hỡi người?

Đừng có hỏi, các anh đừng có hỏi
Mà hãy trả lời cho bức xúc của tôi.

24.8.2011
Nguyễn Thông

KHẢO SÁT VĂN BẢN THÔNG BÁO NGÀY 18/8/2011


PHẠM XUÂN NGUYÊN

  
Thí vấn dư sở phạm hà tội ?
Tội tại vị dân tộc tận trung!

(Hồ Chí Minh)

Phạm tội gì đây, ta tự hỏi

Tội trung với nước, với dân à?

(Nam Trân dịch)

 Bản thông báo của UBND thành phố Hà Nội phát đi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày 18/8/2011 đã lập tức thành một “văn kiện lịch sử” về nội dung răn đe, ngăn chặn người biểu tình yêu nước và về hình thức bất chấp lề lối pháp quy của việc ban hành một văn bản hành chính. Nhiều người đã khảo sát “văn kiện” này dưới hai góc độ ấy. Ở đây tôi thử làm một phép khảo sát văn bản dưới góc độ ngôn ngữ học.

Trước hết là về tên gọi sự kiện ngày chủ nhật từ đầu tháng 6 đến nay. Sau ngày chủ nhật đầu tiên 5/6/2011, khi mọi người xuống đường đều gọi là đi biểu tình, thì trong một bản tin phát đi từ một cơ quan của chính phủ lại gọi đó là “tụ tập”. Cách gọi đó đã gây ra một làn sóng bất bình, phản ứng mạnh mẽ ở những người tham gia biểu tình và ở những người có sự nhìn nhận khách quan. Một ông phó trưởng ban tuyên giáo trung ương trong buổi giao lưu với tờ báo của ngành công an cũng không dám gọi thẳng tên sự việc là biểu tình mà nói loanh quanh. (Chuyện này tôi đã viết trong bài “Ông phó trưởng ban tuyên giáo trung ương không biết đọc từ điển tiếng Việt”). Trong thông báo 18/8, UBNDHN dùng cùng lúc ba tên gọi “tụ tập, biểu tình, tuần hành” để chỉ các cuộc xuống đường trong hơn hai tháng qua. Điều đó cho thấy, thứ nhất, chính quyền đã phải thừa nhận đó là biểu tình, nhưng thứ hai, thừa nhận mà vẫn lúng túng, vẫn không dám gọi đúng tên sự việc, nên dàn hàng ngang ba tên gọi để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Cũng có thể hiểu theo trật tự trước sau của ba tên gọi thì chính quyền đã nhìn nhận cuộc xuống đường đã phát triển từ “tụ tập” tiến lên “biểu tình” và chuyển thành “tuần hành” cùng với một nội dung là “tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”. Hiểu theo cách này thì chính quyền đã gọi đúng nội dung thực sự của sự kiện biểu tình. Cái từ “tự phát” ở đây cũng rất chính xác, vì nếu có một tổ chức nào nằm trong hệ thống chính quyền hiện hành đứng ra xin phép cho người dân biểu tình phản đối Trung Quốc thì không thể nào được, còn một tổ chức nào nằm ngoài hệ thống chính quyền hiện hành đứng ra làm việc đó thì đã bị quy là trái pháp luật và bị chính quyền xử lý ngay rồi. “Tự phát” đúng là tính chất của các cuộc xuống đường vừa qua, và chính quyền đã lại thấy ra nguồn gốc sự tự phát đó là “xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân.” Rất đúng! Nhưng cần phải thấy thêm nữa rằng, sự tự phát đó bùng ra được là căn cứ vào Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định một quyền của công dân là quyền được biểu tình. Còn nói “tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân” dẫn đến những cuộc biểu tình tự phát yêu nước thì là một sự dũng cảm của chính quyền khi công khai thừa nhận một tâm trạng có thật của nhân dân trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng đấy là suy luận của người đọc, còn người soạn thảo văn bản đưa mệnh đề ấy vào chắc là để gài sẵn một cái cớ cho lập luận sau đó nói phải ngăn chặn biểu tình. Trong tiếng Việt, nói “bức xúc” luôn phải có bổ ngữ cho động từ này: bức xúc về ai, bức xúc về cái gì. Bổ ngữ đối tượng ấy chính là cái chính quyền lo sợ.

Như vậy, đoạn mở đầu thông báo 18/8: “Trong các ngày Chủ nhật từ đầu tháng 6 năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp diễn ra các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Những ngày đầu, các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân.” cho thấy UBNDHN đã phải thừa nhận một sự thật. Từ chỗ miệt thị gọi những cuộc xuống đường yêu nước của người dân là “tụ tập” đến chỗ phải thêm vào hai từ “biểu tình” và “tuần hành”, chính quyền đã không thể chối bỏ một hiện tượng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ở trong một văn bản trái pháp quy được ban ra nhằm chấm dứt hiện tượng không thể chối bỏ đó.

Lý do để chính quyền ra lệnh chấm dứt các cuộc “tụ tập, biểu tình, tuần hành” nằm ở câu tiếp liền sau: “Những ngày gần đây lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống phá nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô.” Cụm từ “những ngày gần đây” ở câu này là để đối lại cụm từ “những ngày đầu” ở ngay câu trên, như vậy là chính quyền có sự phân kỳ 10 cuộc biểu tình từ 5/6 đến 14/8 thành hai giai đoạn: “tự phát” và “kích động”. Mà kích động là có tổ chức (“các thế lực chống phá nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước”). Nếu thực tế có diễn ra thế, nếu nguyên nhân đó có thực, thì việc phát hiện ra các thế lực, tổ chức đó trong “những ngày gần đây” và vô hiệu hóa, loại trừ chúng, để quần chúng nhân dân vẫn được bày tỏ tinh thần yêu nước một cách tự phát như “những ngày đầu” là chức năng, nhiệm vụ của chính quyền với hệ thống công cụ trong tay. Vì chính quyền đã thừa nhận tính chất của biểu tình và đã tìm ra nguyên nhân làm chệch hướng biểu tình (như họ nói) thì chỉ việc khắc phục sự chệch hướng, trả lại ý nghĩa nguyên sơ cơ bản của biểu tình hợp với lòng dân là xong. Nếu không làm được thế mà vin cớ “những ngày gần đây” để dẹp “những ngày đầu” thì chính quyền đã lộ ra là mình yếu kém, bất lực hay sao. Như vậy khác nào muốn hắt đổ chậu nước bẩn thì hắt luôn cả đứa bé đang ngồi trong chậu!

Do tư duy phân kỳ biểu tình hai giai đoạn, lấy đoạn sau xóa đoạn trước,  nên câu chữ ở các phần sau của thông báo 18/8 rất lúng túng và mâu thuẫn. Vừa thừa nhận biểu tình là yêu nước (mệnh đề này tướng Nhanh giám đốc công an thành phố đã nói rất dứt khoát trong cuộc giao ban ngày 2/8 được đăng tải rộng rãi trên các báo chí) thì đã lại quy cho biểu tình làm xấu hình ảnh thủ đô, làm mất an ninh, trật tự phố phường. Biểu tình mà không biểu ngữ, khẩu hiệu, không hô hào, kêu gọi, không cuốn hút mọi người tham gia, để thể hiện công khai chủ đề, nội dung biểu tình (“phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”), thì sao gọi là biểu tình. (Và thực tế các cuộc xuống đường vừa qua không hề lộn xộn, luôn đi có hàng lối, nếu có khi cản trở giao thông, được cảnh sát yêu cầu, đoàn người đã chấp hành đúng luật lệ.) Đặc biệt, vừa thừa nhận “các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân” thì đã quay sang quy kết “một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin, ngộ nhận tham gia biểu tình tự phát là thể hiện tinh thần yêu nước”. Điều này cho thấy chính quyền vừa thiếu tôn trọng nhân dân vừa loay hoay như gà mắc tóc trong ma trận chữ nghĩa do mình tung ra. K. Marx nói “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy” thật quả chính xác.

Mệnh đề “một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin” nên sinh ra ngộ nhận, vì ngộ nhận nên tham gia biểu tình, dễ khiến người ta nghĩ theo lối “từ đó suy ra” đơn giản như sau: đa số quần chúng do đủ thông tin nên không ngộ nhận, từ đó không tham gia biểu tình. Để xem lối nghĩ này có đúng hay không, chỉ cần đọc lời phát biểu của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII, sau khi các đại biểu được nghe Bộ Ngoại giao báo cáo kín tình hình Biển Đông tại hội trường. Ông Quốc nói: “Ngay chương trình làm việc của QH ban đầu hầu như chẳng có vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận và đại biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy một tiếng và không có thảo luận. Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung buổi báo cáo đó, và tôi đã nói với bộ trưởng ngoại giao ý kiến của tôi rằng: Trừ một vài nội dung chi tiết, còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì CP đã làm, nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.” Vậy là nếu dân chúng có thiếu thông tin thì do chính quyền không cung cấp thông tin, nhưng không phải vì thiếu thông tin mà dân chúng ngộ nhận biểu tình. Ngược lại, trong thời đại thông tin toàn cầu và thế giới phẳng ngày nay, những người biểu tình có được nhiều thông tin không qua con đường chính quyền. Những thông tin đó có thông tin sạch và thông tin nhiễu. Nếu những thông tin họ nhận được bị nhiễu mạnh thì lỗi là ở chính quyền không cung cấp cho họ thông tin sạch. Nhưng bản thân họ cũng biết lọc thông tin.Vì thế, từ các thông tin nhận được, họ lo lắng cho sự an nguy của đất nước, từ nỗi lo đó họ tự phát xuống đường bày tỏ sự phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sự tự phát này, xin nhắc lại một lần nữa, là đúng pháp luật vì được bảo đảm bằng Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, một tác động quan trọng khác của các cuộc biểu tình vừa qua ngoài khơi dậy lòng yêu nước của người dân là đặt Quốc hội trước đòi hỏi cấp thiết của hoàn cảnh chính trị-xã hội hiện thời phải cụ thể hóa điều quy định của Hiến pháp thành Luật biểu tình. Nếu không, người dân vẫn có quyền tự phát biểu lộ lòng yêu nước trên cơ sở Hiến pháp, còn chính quyền thì lúng túng đối phó, ngăn chặn bằng những bản thông báo trái pháp luật, sai quy cách trong khi đang hô hào cải cách hành chính.

Giao lực lượng Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với chính quyền các cấp, các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác chấp hành, ủng hộ và tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự.” Đoạn này của thông báo 18/8 đã gài sẵn chốt bật đèn xanh cho việc trấn áp biểu tình. Lực lượng công an là công cụ bảo vệ pháp luật, nó không phải là chủ thể pháp luật, do đó giao nó chủ trì tức là đã đặt bạo lực lên trên tuyên truyền, lấy răn đe thay giáo dục, đưa chính quyền vào thế đối lập chứ không phải đối thoại với nhân dân. Lẽ ra ở đây câu chữ phải thể hiện vị trí và vai trò của các cơ quan, đoàn thể theo một trật tự khác, đề cao sự đồng thuận chứ không phải sự chia rẽ lấy cớ là có sự khác biệt trong nhận thức của người dân và của chính quyền trước vận mệnh đất nước. Đoạn này cũng mâu thuẫn với lời tuyên bố của tướng Nhanh hai tuần trước đó là công an thành phố và cấp trên không chủ trương đàn áp biểu tình. So sánh lời tuyên bố của một vị tướng công an hôm 2/8 và lời thông báo hôm 18/8 của UBNDHN thì rõ là lực lượng công an đã được chính quyền bắt vào thế làm ngược ý mình. Và vì lực lượng công an là công cụ của chính quyền và lại được chính quyền giao cho trách nhiệm chủ trì dẹp biểu tình nên lời ông tướng muốn tỏ rõ sự độc lập của ngành mình thành vô hiệu.

Thực chất, toàn bộ câu chữ của bản thông báo 18/8 với những lập luận mâu thuẫn, thiếu logic, chỉ cốt để đưa tới điều này: “Đối với những người cố tình không chấp hành, tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng và xử lý theo quy định của pháp luật.” Rốt cục chính quyền đã vất đi hai từ “biểu tình” và “tuần hành” nêu ở đầu văn bản, lại nhốt hết mọi người xuống đường vào mệnh đề “tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ” để dễ bề ra tay “áp dụng các biện pháp cần thiết”. Bởi vì người biểu tình họ tự phát nhưng thấy mình làm đúng, họ đi đứng trật tự, đàng hoàng, họ hô những khẩu hiệu yêu nước, nên khi bị cảnh sát xô vào ngăn chặn, bắt giữ, họ phản ứng, họ vùng vẫy, thế là họ bị sa bẫy “gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ”. Ma trận ngôn từ biến thành vòng vây cảnh sát là vậy.

Hơn bốn mươi người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình ngày chủ nhật 21/8/2011 là hệ quả tất yếu của một văn bản được soạn thảo bất chấp logic ngôn ngữ và phép tắc hành chính chỉ cốt tạo ra một cơ sở pháp lý để bắt người biểu tình, dù cho cơ sở pháp lý đó là vi hiến và sai thủ tục.

 Hà Nội 22.8.2011

Tác giả gửi cho Quê choa