Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Muốn sống yên phải làm người “lành”?

TT - Để thích nghi và tồn tại trong môi trường làm việc nhiều thị phi và cạnh tranh, không ít người trẻ chọn cách sống “lành” - dĩ hòa vi quý trong mọi trường hợp.
“Luôn im ỉm trong các cuộc họp, ngại va chạm, thiếu thẳng thắn trong công việc và luôn hùa theo số đông bất kể đúng sai”, là những đặc điểm dễ nhận ra của những người “lành” này, theo nhận xét của không ít nhà quản lý.
Khi “im lặng là vàng”
H.Nguyên (25 tuổi) cho biết: “Thời đi học tôi học giỏi nhưng ít khi giơ tay phát biểu trong lớp. Lớn lên đi làm, nhiều lần tôi biết chắc cách lập luận của mình là đúng, nhưng chẳng bao giờ tôi có đủ tự tin tranh cãi với đồng nghiệp, sếp”. Đi làm ngân hàng được bốn năm, H.Nguyên tự nhận bản thân chưa từng đưa ra một ý kiến nào trong các cuộc họp phòng, ban. Bị đồng nghiệp chèn ép, H.Nguyên tự an ủi: “Chắc tại mình xui!”.
Tốt nghiệp cao học kinh tế từ Mỹ về, Q.Cường (30 tuổi) được nhiều người đánh giá cao về khả năng làm việc cũng như vốn ngoại ngữ đáng nể. Tuy nhiên, năm năm qua, khi bạn bè cùng trang lứa đã dần có vị trí ổn định trong xã hội thì Q.Cường vẫn bằng lòng với vị trí nhân viên bình thường. “Làm càng cao thì càng phải gánh nhiều trách nhiệm và dễ bị nhòm ngó”, anh giải thích lý do nhiều lần từ chối việc được cơ quan cất nhắc.
Trái ngược hai trường hợp trên, từ lúc được đưa vào danh sách cán bộ nguồn của một tổ chức, B.Thanh (27 tuổi) trở nên ít nói đến kỳ lạ, trong khi trước đây B.Thanh luôn được coi như đầu tàu năng nổ trong mọi hoạt động. Hiện tại, trong các buổi họp ở cơ quan, B.Thanh ngồi yên hoặc chỉ phát biểu những ý kiến dạng vô thưởng vô phạt...
Sống thẳng, nói thật: làm lính cả đời!
Đó là đúc kết của B.Thanh sau khoảng thời gian dài liên tiếp bị chơi xấu trong công sở.
Từ khi được cất nhắc, thông tin về công việc lẫn đời tư của B.Thanh bỗng dưng trở thành đề tài nóng trong giờ ăn trưa, chuyện tán gẫu của nhiều đồng nghiệp trong cơ quan. “Cá tính thẳng thắn của tôi kéo theo bao nhiêu là phiền phức, bởi điều đó đụng chạm ít nhiều cái tôi của một số người. Khi thấy tôi có cơ hội thăng chức, họ sẵn sàng đặt điều và tìm cách tẩy chay, bôi xấu tôi bằng mọi cách. Bị vài lần như thế tôi đâm sợ và đành chọn cách sống dĩ hòa vi quý trong cơ quan, dù rất tự tin vào năng lực của mình”, B.Thanh giải thích.
Nhớ lại thời cấp II, H.Nguyên kể: “Tôi từng bị điểm 2 môn văn vì không viết theo dàn bài có sẵn. Lần đó, khi lên tranh luận với giáo viên về điểm số và bị phán là vô lễ, tôi bị ám ảnh mãi về chuyện phản biện...”. Nhiều lần bị cảnh cáo ở trường học vì cái tội “hay lý sự quanh co” khiến H.Nguyên chọn cách sống co mình lại khi đi làm để tránh đụng chạm.
Được gia đình bao bọc từ nhỏ, Q.Cường chỉ cần học, không phải lo lắng bất kỳ điều gì khác. “Học trường nào tại Mỹ, làm việc ở đâu, lập gia đình với ai... gia đình thay tôi quyết định hết. Tôi dần không tự tin làm những việc lớn và rất sợ đương đầu với thử thách”, anh thú nhận.
“Rất nguy hiểm”, tiến sĩ Lukas M. (người Thụy Sĩ, nguyên giám đốc trực tuyến Tập đoàn Cimigo tại VN) đã đúc kết như thế khi nói về thói quen hay im lặng, thích sống yên phận của một bộ phận lao động trẻ Việt.
Trong công sở, ông Lukas cho rằng chuyện nhân viên có tâm lý “cố giữ im lặng, nhắm mắt làm đại để mọi chuyện tới đâu thì tới còn hơn là nêu góp ý, phản bác với đồng nghiệp, sếp” là một tác động xấu đến hiệu quả công việc. “Sếp cũng là người và cũng có những sai lầm như bất kỳ ai khác. Sự phản biện của nhân viên giúp chúng tôi đưa ra những quyết định đúng đắn hơn”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại cho rằng lời khuyên nên nói thẳng, sống thật của ông Lukas chỉ phù hợp với một số môi trường làm việc nhất định. Q.Nghi (25 tuổi, nhân viên một tập đoàn lớn của Hàn Quốc) khẳng định: “Tôi không muốn là người “lành” trong công ty. Như thế tẻ nhạt lắm. Nhưng trong công ty tôi từ lâu đã tồn tại công khai nguyên tắc “chỉ nghe, không được lên tiếng” với các sếp, đồng nghiệp có thâm niên. Ai đi ngược lại với nguyên tắc này chắc chắn sẽ khó có thể yên thân”. Q. Nghi cho biết thêm nhiều công ty mà bạn biết cũng có kiểu văn hóa doanh nghiệp “im lặng thì sống, nói nhiều thì chết”. Bạn băn khoăn: “Chúng tôi biết phải làm sao?”.
CÔNG NHẬT

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Nội trú dân nuôi và ước mơ "cơm có thịt"

TTCT - Câu chuyện về ước mơ “cơm có thịt” của học sinh xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) mà nhà báo Trần Đăng Tuấn (tổng giám đốc Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG) kể lại đang gây nên một “cơn sốt” trên mạng.
Nhưng Suối Giàng chưa phải là nơi khó khăn nhất trong hàng trăm xã miền núi Tây Bắc, câu chuyện “nội trú dân nuôi” đầy ám ảnh ở vùng rẻo cao đã đằng đẵng mấy chục năm nay rồi...
Cạnh Trường THCS xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên) là khu lều tre nứa cho các em nội trú - Ảnh: Ngọc Quang
Một phòng học với hai lớp quay lưng vào nhau, thầy giáo dạy cả hai lớp cùng lúc ở bản Tá Miếu - Ảnh: Ngọc Quang
Mười lăm năm trước, khi lên miền tây Quảng Trị, chúng tôi tìm gặp thầy giáo Hà Công Văn, khi đó còn chưa ai biết là một thầy giáo cắm bản đã tròn 20 năm, dạy học trò, nuôi học trò và đã gây dựng nên mô hình “nội trú dân nuôi” ở Quảng Trị. Sau này thầy Văn trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm bài báo, thước phim ca ngợi thầy Văn.
Nhưng hình ảnh thầy Văn lúng túng trong bộ comple, cà vạt ở các đại hội thi đua khó thay thế được hình ảnh mà tôi gặp khi thầy lặn lội lên núi, vai mang gùi, tay cầm rựa, đi kiếm măng rừng về làm bữa trưa cho những đứa học sinh “nội trú dân nuôi” mà thầy đã đưa về từ các bản làng.
Suối Giàng đã “ăn cơm có thịt”
Thầy Văn cũng không phải là người sáng tạo cụm từ “nội trú dân nuôi”, chỉ biết một lần vào bản Cựp, xã Húc Nghì, huyện Đăkrông thấy cu Mắt thèm đi học mà đường từ đó ra đến trường gần 20km, thầy Văn bàn với gia đình cho cu Mắt ra ở với thầy để đi học. Thấy cu Mắt ra ở với thầy Văn, nhiều gia đình trong bản cũng gửi con cho thầy.
Trường chưa có nhà nội trú, thầy Văn và các giáo viên trong trường cùng dân bản đi chặt tre rừng, kiếm lá lợp, dựng những túp lều đầu tiên. Rồi lấy lồ ô đập ra làm sạp, đi xin chăn ở đồn biên phòng cho các em đắp, hằng tuần bố mẹ mang gạo từ bản ra cho con, còn thức ăn thì thầy ăn gì trò ăn nấy. Sau giờ học cả thầy lẫn trò xuống suối mò ốc, đơm cá hay lên nương tìm măng, bẫy thỏ rừng, bẫy dúi (chuột rừng) làm thức ăn.
Rồi cá dưới khe cũng không nhiều như trước, rau trên rừng không phải mùa nào cũng sẵn, thế là thầy trò vỡ đất trồng rau, đào ao nuôi cá... Dắt díu nhau như thế để rồi đi qua đời thầy Văn là những lứa học trò đủ sức đi xa khỏi chân núi quê nhà, về tỉnh học cấp III ở trường dân tộc nội trú, và đi xa hơn thành sinh viên đại học, nhiều em nay đã thành thầy cô giáo, công chức, cán bộ huyện...
Hai tuần trước, tôi lên Suối Giàng, tận mắt thấy học sinh hai trường tiểu học và THCS xã Suối Giàng được “ăn cơm có thịt” - món thịt có được nhờ câu chuyện nhà báo Trần Đăng Tuấn đã lan tỏa khắp cộng đồng và được hiện thực hóa bằng số tiền quyên góp hàng trăm triệu đồng.
Nhưng có ai thống kê được còn bao nhiêu Suối Giàng và “hơn cả Suối Giàng” trên đất nước ta? Nhất là những vùng biên giới mà để vào đó phải mất cả ngày đường cho một quãng đường vài chục cây số, những vùng mà học trò phải trèo đèo lội suối cả ngày để đến lớp, nuôi lấy cái chữ cho mình - như những học trò gầy gò mà chúng tôi gặp trên đường ở xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên).
Nụ cười ở cực tây Tổ quốc - Ảnh: Ngọc Quang
Những “tổ chim” chênh vênh 
Từ ngã ba thị trấn Mường Chà (trên quốc lộ 12 từ Điện Biên đi Mường Lay) vào đến thị trấn huyện lỵ Mường Nhé chừng 160km, rồi từ đây lên đến A Pa Chải - ngã ba biên giới ba nước Việt - Trung - Lào mất thêm 75km nữa. Trường Chung Chải nằm phía dưới xã Sín Thầu và Leng Su Sìn, gần ngã ba biên giới. Cạnh ngôi trường THCS khang trang, chỉ cách một mái đồi là hàng chục túp lều “nội trú dân nuôi” mọc san sát nhau.
Thầy Đỗ Văn Đà, hiệu trưởng Trường Chung Chải, bộc bạch: “Cả xã chỉ có một điểm trường THCS này, học sinh trên Leng Su Sìn cũng về đây học”. Những túp lều trọ học chênh vênh như những tổ chim sơ sài trên sườn đồi là nơi ở của học sinh người Mông, Hà Nhì, Si La...
Dù khác dân tộc nhưng lều nào cũng giống nhau bởi đều được dựng từ hai vật liệu chính là tre nứa và bạt nhựa. Một bộ khung bằng tre dựng lên, nứa được đập dập làm mái, tấm bạt nhựa phủ lên, lại một lớp nứa được chặn lên để tấm bạt khỏi bị gió thổi bay. Quanh lều cũng được che chắn bởi phên nứa, gió cứ lùa hun hút qua khe nứa hở. Các em dựng lều nọ sát lều kia để che chắn cơn gió lạnh buốt trên rẻo cao cho nhau.
Trong một túp lều như thế, Sùng A Dơ, người Mông, đang thổi cơm chiều. Nhà Dơ ở bản Nậm Vì - bản xa nhất - cách trường đến 24km. Túp lều của Dơ có thêm bốn bạn, cùng là người Mông là Vàng A Sính, Vàng A Sử, Và A Súa và Giàng A Và, tất cả cùng quê ở bản Nậm Vì. Hỏi: “Cơm có đủ no không?”. Dơ cười ngượng ngịu: “No”. Hỏi: “Thế thức ăn đâu?”, Dơ không nói.
Nhìn quanh, cả góc bếp chỉ có một cái nồi. “Thế ăn cơm với gì?”. “Muối thôi”. Tôi nhìn lên mái bếp thấy một nhúm muối trắng gói trong túi nilông vo tròn nhét giữa mấy thanh nứa. Giàng A Và bảo: “Cũng có hôm có cá suối”. Tôi theo Và qua lều bên cạnh, mấy bạn của Và đang dùng dao vót những thanh nứa thành mũi tên nhọn - thứ giúp các em săn những con cá suối để cải thiện bữa ăn.
Sùng A Dơ, học sinh lớp 7A, quê tận bản Nậm Vì (huyện Mường Nhé, Điện Biên) - Ảnh: Ngọc Quang
Quanh lều của những học sinh nữ có vài luống cải mèo gieo theo kiểu “tận dụng” lên xanh um. Toán Hà Na bảo có khi mang cá suối săn được cho các bạn nữ, các bạn ấy lại cho rau. Lại nhớ ở Suối Giàng, các em còn có một bếp ăn tập thể, có cả người nấu bếp. Nhưng ở đây thì “một lều một nồi”, gạo các em tự mang từ nhà lên, cơm tự nấu, tự săn dúi, bắt cá, tự trồng rau... nuôi mình.
Dưới những sạp nứa mà các em nằm ngủ xếp đầy săm, lốp xe máy cũ. Hỏi ra mới hay tuy sống giữa rừng nhưng các em được thầy cô dạy không chặt cây rừng làm củi, chỉ được nhặt cành khô. Nhưng vào mùa mưa cành khô ướt sũng nước, rất khó cháy, bởi thế những chiếc săm, lốp cũ kia được các em nhặt nhạnh về, cắt ra dùng để nhóm lửa. Nước để ăn uống thì các em mang can nhựa đi qua mé đồi, xuống con suối trước trường cõng về.
Vàng A Sính và Giàng A Và tranh thủ học bài trong ánh sáng buổi chiều xuyên nhợt nhạt qua tấm bạt xanh trên mái lều vì tối không có điện. Mà giả dụ có điện chắc cũng chẳng ai dám kéo vào đây - nơi cả trăm túp lều nứa khô nỏ, mái lợp bạt nhựa nằm san sát.
Trong gần 300 học sinh nội trú ở Trường THCS Chung Chải có 21 em người dân tộc Si La ở bản Nậm Sim. Những học sinh này nằm trong nhóm các dân tộc ít người cần được bảo tồn nên có chính sách ưu đãi riêng với 379.000 đồng/em/tháng. Có ưu đãi, nhưng nơi ăn chốn ở của các em cũng không khác gì, cũng ngủ trên những sạp nứa, trong túp lều nứa phủ bạt. Dọc đường, chúng tôi đi qua không biết bao nhiêu khu “nội trú dân nuôi” như những “phiên bản” của Chung Chải.
Rau xanh các em tự trồng để bữa cơm có thêm chút tươi ngoài muối trắng - Ảnh: Ngọc Quang
Thống kê và hi vọng
Chuyện dạy và học ở những miền rẻo cao chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến. Và hẳn là chuyện khó khăn gian khổ ở nơi nào cũng có một mẫu số chung. Cứ ghé vào những nơi như huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa ở Thanh Hóa hay vùng Đakrông, Hướng Hóa của Quảng Trị, vào những xã ở Tu Mơ Rông của Kon Tum hay Tây Trà của Quảng Ngãi... đều có thể thấy những hình ảnh như đã thấy ở Chung Chải, gặp những “bữa cơm không thịt” như nhà báo Trần Đăng Tuấn chứng kiến ở Suối Giàng...
Nhưng giờ vẫn không nhiều đứa trẻ gặp may mắn như học sinh Suối Giàng. Và để có “bữa cơm có thịt” cho tất cả các em, hẳn không thể chỉ nhờ vào lòng hảo tâm của vài trăm, thậm chí vài ngàn cá nhân. Không biết Bộ Giáo dục - đào tạo đã bao giờ làm phép tính cộng số học sinh “nội trú dân nuôi” ở các xã khó khăn nhất trên đất nước ta, rồi lấy số học sinh đó làm phép nhân với giá tiền của một, hai bữa cơm có thịt trong tuần để ra con số dự liệu kinh phí mua thịt cho các em?
Chắc chắn đó là một con số không nhỏ, nhưng cũng chắc chắn con số đó không phải là lớn, khi mỗi ngày vẫn đọc thấy không thiếu những trăm tỉ, ngàn tỉ thất thoát, những dự án hàng chục tỉ “đắp chiếu”...
Kể lại một lần nữa những câu chuyện cũ để không nguôi hi vọng. Khi tôi viết những dòng cuối cùng về câu chuyện “nội trú dân nuôi” này thì thầy Đỗ Văn Đà gọi điện về, giọng không giấu được vẻ hồ hởi, kể rằng hôm 6-10 vừa qua tại Chung Chải, Sở Giáo dục - đào tạo Điện Biên đã khởi công xây dựng khu nội trú dân nuôi cho cụm các xã vùng khó huyện Mường Nhé.
Rằng dự án sẽ xây 84 phòng nội trú, tám gian bếp và 800m2 sân bêtông cho sáu trường: THCS Chung Chải, Na Cô Sa, Chà Cang, tiểu học Pá Mỳ, Nậm Pồ và Nà Khoa với tổng vốn đầu tư 13 tỉ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ 10 tỉ đồng, số còn lại lấy từ vốn sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Toàn bộ dự án lo được cho 700 chỗ ở, trong khi chỉ riêng số học sinh của một trường bình quân đã 300 em.
Và đó mới là chuyện ở. Vẫn còn chuyện “cơm thiếu thịt” mà chắc không thể ngày một ngày hai có được. Nên lại một lần nữa, như mười mấy hai chục năm trước, không nguôi hi vọng.
Sùng Thị Lỳ, Mùa Thị Mai và Giàng Thị Dua - Trường THCS Suối Giàng - sau giờ học tranh thủ thêu thùa - Ảnh: Ngọc Quang
Cận cảnh những túp lều của các học sinh nội trú dân nuôi ở Chung Chải - Ảnh: Ngọc Quang
Hai em Vàng A Sính và Giàng A Và (dân tộc Mông) tranh thủ coi bài, dưới sàn là những lốp xe máy cũ được các em nhặt về để đốt sưởi qua mùa đông - Ảnh: Ngọc Quang
LÊ ĐỨC DỤC

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Một triệu chữ ký kêu gọi thành lập lại đội Thể Công

TT - Kỷ niệm 57 năm ngày truyền thống câu lạc bộ bóng đá Thể Công (23-9-1954 - 23-9-2011), tại Hà Nội những thế hệ cầu thủ câu lạc bộ Thể Công từ năm 1954 đến nay cùng các cổ động viên của Thể Công đã cùng phát động chương trình 1 triệu chữ ký kêu gọi thành lập lại câu lạc bộ Thể Công để gửi lên lãnh đạo Bộ Quốc Phòng.

Chương trình ngay lập tức nhận được hàng ngàn ý kiến đồng tình và chữ ký của những cựu cầu thủ của đội bóng quân đội như: Nguyễn Sỹ Hiển, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Cao Cường, Thạch Bảo Khanh, Đặng Phương Nam... Trên trang web của Hội cổ động viên Thể Công (thecong.com.vn) cũng đã đưa thông tin và kêu gọi các cổ động viên góp chữ ký để kêu gọi thành lập lại đội Thể Công sau khi câu lạc bộ bị giải tán năm 2009.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về ý tưởng này, cựu cầu thủ Thể Công, ông Vũ Mạnh Hải - đại diện các cựu cầu thủ Thể Công phát động ý tưởng 1 triệu chữ ký - cho biết: “Đây là mong muốn và suy nghĩ của tất cả cầu thủ, cổ động viên của câu lạc bộ Thể Công. Chúng tôi thiết tha mong có ngày cái tên Thể Công sẽ quay trở lại với bóng đá VN, với tình yêu tràn đầy của người hâm mộ”.

Sau lễ phát động ngày 23-9, hội cựu chiến binh Thể Công sẽ phụ trách việc lấy chữ ký của các tuyển thủ Thể Công từ xưa đến nay. Nghệ sĩ Đức Trung nhận trách nhiệm sẽ giúp đỡ kêu gọi Hội cổ động viên bóng đá VN ký ủng hộ chương trình. Nhà báo Vũ Công Lập cũng góp sức bằng việc cố vấn đường đi nước bước của chiến dịch. “Chúng tôi mong muốn đến hết năm 2011 sẽ thu thập được 1 triệu chữ ký và gửi công văn lên Bộ Quốc phòng với mong muốn thành lập lại câu lạc bộ bóng đá Thể Công. Vì tình yêu với Thể Công, chúng tôi tin sẽ huy động được 1 triệu chữ ký” - ông Lập nói.

K.XUÂN

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Câu hỏi của một bác sĩ


TTCT - LTS: Câu chuyện cuộc sống số này giới thiệu tâm sự của một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, người đi tìm lời đáp cho một câu hỏi đang làm đau lòng không ít những người khoác áo blouse trắng.

Minh họa: Vũ Đình Giang

Câu chuyện về cái chết thương tâm của vị bác sĩ ở Vũ Thư, Thái Bình khiến tôi, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, cảm thấy rất buồn. Có thể nói cái chết của vị bác sĩ đáng kính ấy làm rúng động toàn ngành y cả nước. Không ít người thương cảm, không ít kẻ giật mình. Câu hỏi mà xã hội đặt ra cho bất cứ ai đang khoác áo blouse trắng là: Vì sao ngày trước bệnh nhân, người nhà bệnh nhân luôn kính trọng bác sĩ, trong khi giờ đây lại liên tiếp xảy ra chuyện kiện tụng, phản ứng, hành hung họ?

Ngoài lương có “bổng” không con?

Một lần tôi đến quán cà phê cùng một học trò. Dốc vào quán khá cao. Học trò tôi đi chiếc SH, được nhân viên của quán xăng xái dắt xe cho. Còn tôi đi chiếc Future cũ thì không nhân viên nào chịu dắt xe giúp cả. Anh học trò cả cười nói với họ: “Thầy tôi đây nè, bác sĩ đó nghe. Trông mặt không “bắt hình dong” được sao”. Một anh nhân viên buột miệng: “Bác sĩ gì ơi, làm gì ông không sắm được chiếc SH đi cho nó đã hả ông? Tiền đem chôn hết rồi à?”.

Quê tôi ở miền Tây, một thị xã nhỏ hiền hòa và nghèo khó. Ba tôi dạy toán cấp trung học phổ thông. Khi bước lên bục giảng, ông không chỉ dạy chữ cho học sinh mà còn dạy cho họ nhiều kiến thức khác về xã hội, ứng xử, cách làm người.

Có nhiều tiết học ba dành để bảo ban, khuyên nhủ học sinh những điều hay lẽ phải. Học sinh vừa kính nể, vừa yêu thương ba tôi nên từ đó có thái độ học rất nghiêm túc, hào hứng. Đó là những năm đầu giải phóng, cả đất nước còn khó khăn, cơm ăn còn độn nhiều bo bo và khoai sắn, thuốc thang thì thiếu thốn. Ba tôi bệnh lao đã lâu nhưng vẫn cố giấu gia đình vì nhà tôi nghèo lắm, chị em tôi còn rất nhỏ, nhà tôi thật sự không có tiền chữa chạy.

 Những tháng cuối, ông xin nghỉ việc về quê nội và mất ở đó. Khi ba tôi mất, rất nhiều học sinh đưa tang ba tôi, nhiều học sinh, đồng nghiệp khóc nức nở. Từ đó tôi quyết tâm học giỏi để trở thành một bác sĩ có thể cứu chữa cho những người như ba và hình bóng ba chính là kim chỉ nam cho cuộc đời tôi.

Ngày tôi tốt nghiệp và nhận công tác tại một bệnh viện tâm thần, ba của bạn gái tôi hỏi tôi: “Ngoài lương có “bổng” không con? Nghe nói làm bác sĩ nội khoa, ngoại khoa, sản khoa mới có tiền, con đi chuyên khoa tâm thần thì “hẻo” lắm.

Bây giờ phần lớn bác sĩ đều có thể sống khỏe nhờ phòng mạch tư và phong bì của người nhà bệnh nhân. Và nghề y là nghề khiến người ta giàu có nhanh lắm”. Tôi cảm thấy giận dữ vì câu hỏi đó. Tại sao người ta lại có cái nhìn phiến diện và ấu trĩ như thế về ngành y, về những người làm công việc cứu người?

Thế nhưng mười năm sau, khi có hai mặt con với nhau, vợ tôi cầm đồng lương tôi đưa với ít nhiều băn khoăn: “Đầu năm học này em đóng các khoản tiền trường cho con là hết sạch lương anh rồi”. Lòng tôi chùng xuống, mình đang sống thanh sạch hay mình đang hi sinh gia đình đây? Lời thề Hipocrate không sinh viên y khoa nào không thuộc nhưng quả là trong xã hội này, người khoác áo blouse trắng phải đối mặt với quá nhiều cám dỗ khi đồng lương chỉ bằng số tiền kiếm được của một bác xe ôm đắt khách. Lợi nhuận từ những phong bì hoa hồng của các hãng dược nước ngoài làm nhiều người phải cân nhắc, đấu tranh nội tâm giữa hai bờ tốt xấu.

Là bác sĩ tâm thần, mở phòng mạch tư, đời sống kinh tế có đỡ hơn. Không chỉ thế, một lực lượng đông đảo trình dược viên còn tìm gặp, hi vọng có thể khiến tôi mê... hoa hồng mà kê những toa thuốc “cắt cổ”. Bệnh nhân tâm thần rất đông, có cả những người đang làm việc ở các công ty nước ngoài, những doanh nhân đang ăn nên làm ra, những luật sư, những người có địa vị xã hội.

Nhìn quanh, những đồng nghiệp tốt nghiệp ngành sản khoa hoặc nhi khoa không ít người đã sắm nhà lầu, xe hơi, tiền bạc rủng rỉnh, không phải lòng tôi không có lúc thoáng chao đảo. Nhưng chỉ là thoáng qua mà thôi. Khi nhìn vào những đôi mắt lạc hồn của bệnh nhân hay những giọt nước mắt âu lo của người nhà họ, tôi hiểu rằng không bao giờ tôi có thể bắt tay với các hãng dược mà làm trái lời dạy về sự trung thực, sự chân thành của ba mình.

Một lần tôi đến quán cà phê cùng một học trò. Dốc vào quán khá cao. Học trò tôi đi chiếc SH, được nhân viên của quán xăng xái dắt xe cho. Còn tôi đi chiếc Future cũ thì không nhân viên nào chịu dắt xe giúp cả. Anh học trò cả cười nói với họ: “Thầy tôi đây nè, bác sĩ đó nghe. Trông mặt không “bắt hình dong” được sao”.

Một anh nhân viên buột miệng: “Bác sĩ gì ơi, làm gì ông không sắm được chiếc SH đi cho nó đã hả ông? Tiền đem chôn hết rồi à?”. Tôi không giận câu đùa đó nhưng không khỏi chạnh buồn.

Một xã hội mà giá trị vật chất được đề cao quá mức, trên các phương tiện truyền thông thì ra rả những mặt hàng “sành điệu”, “phong cách mới”, “thời trang hàng đầu”, “bản lĩnh đàn ông” khi mua những món hàng sang trọng…; một xã hội mà người với người thầm đánh giá nhau qua ôtô đời mới, điện thoại xịn, laptop xịn, người khoác blouse trắng bản lĩnh tới đâu để thoát ra ngoài những giá trị ảo đó, đứng trên những giá trị ảo đó và xây dựng một hệ thống giá trị riêng cho mình đây? Dẫu sao bác sĩ cũng là con người. Trong cơn đại hồng thủy của chủ nghĩa tiêu dùng, một số trong chúng tôi đã không giữ được mình, đánh mất chữ tâm bởi thiếu bản lĩnh mà thôi.

Khi những giá trị xã hội nhập nhòa...

Trong chương trình phổ thông và cả đại học, tính nhân văn chưa được chú trọng. Đó là một chương trình thật sự lệch pha, nặng về kiến thức hàn lâm, thiếu trầm trọng về kỹ năng và giá trị sống. Điều này phản ánh rõ qua kỳ thi đại học.

Tại các nước tiên tiến, trong những kỳ thi tuyển sinh vào đại học y khoa, người ta chú trọng đặc biệt vào phẩm chất con người, nhân sinh quan, nền tảng đạo đức, văn hóa của thí sinh. Vượt qua kỳ thi SAT với môn văn và toán, trong hồ sơ dự sơ tuyển của thí sinh y khoa phải có báo cáo đầy đủ về hoạt động ngoại khóa rèn kỹ năng sống, những kinh nghiệm làm công tác xã hội hay các công việc thiện nguyện, một bài tự luận và thư giới thiệu của giáo viên trực tiếp giảng dạy cấp trung học phổ thông.

Bài tự luận là phần mang tính quyết định của việc xét tuyển, qua đó người xét tuyển đánh giá chiều sâu nội tâm, năng lực tinh thần, quan điểm sống của thí sinh có phù hợp với mục đích cứu người của nghề y hay không.

Vượt qua sơ khảo, thí sinh y khoa còn phải trải qua thêm một kỳ phỏng vấn trực tiếp với các giáo sư mà hệ thống câu hỏi lần nữa liên quan nhiều đến kiến thức xã hội, gia đình, văn chương nghệ thuật, những trải nghiệm, suy tư về cuộc sống… để nhà trường hình dung đầy đủ nhất về phẩm chất con người của thí sinh có khả năng trở thành một lương y “như từ mẫu” hay không.

Ở nước ta, thí sinh giỏi toán, hóa, sinh là có thể đậu y khoa. Thí sinh bước vào ngành y như vào một trường nghề cấp cao, nơi đào tạo những “kỹ sư khám chữa bệnh”. Thêm vào đó, cơn lốc chủ nghĩa vật chất của xã hội không ít khi khiến người làm nghề bác sĩ ít nhiều cư xử không thích hợp với vai trò cứu người của mình, khiến người bệnh bất an, không tin tưởng.

Đành rằng áp lực công việc rất lớn, một buổi sáng mỗi bác sĩ có thể khám hàng trăm bệnh nhân nhưng không thể vì thế mà người khoác áo blouse trắng cho mình cái quyền được có thái độ dửng dưng, thờ ơ, lạnh lùng, quát mắng bệnh nhân...

Có những bác sĩ trẻ nói chuyện với bệnh nhân đáng tuổi cha chú mà quên mất chủ ngữ, quên cả việc dạ thưa, lại to tiếng hống hách. Người bệnh đã đau đớn vì bệnh tật, đã lo lắng, khổ sở về tinh thần và thể xác còn phải hứng chịu những lời khó nghe, những lời xỉ vả và có cảm giác mình phải đi “xin xỏ”, mình bị coi thường, bị bỏ mặc… Đương nhiên khi những sai sót nghề nghiệp của bác sĩ vô tình xảy ra, họ sẽ bị phản ứng dữ dội hơn.

Tôi có một người bạn đồng nghiệp tên Đ., công tác tại Bệnh viên Tâm thần Đà Nẵng. Anh giỏi chuyên môn, tính tình khá… khác thường. Trong quá trình khám và chữa bệnh, anh có thể trò chuyện với người bệnh tâm thần như với người thân vậy. Anh lại thường xuyên xuất lương của mình mua quà bánh cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân hết bệnh sau này lập gia đình, sống hạnh phúc bên vợ con, họ trở lại thăm anh.

Ngày tết hằng năm anh dẫn những bệnh nhân không người thân về nhà mình ăn tết, có năm anh đưa về cả 30-40 người, thật… hết biết. Tôi rất khâm phục anh bởi chính tôi cũng không thể giống anh được. Khi tôi có ý định bàn về y đức với anh, anh buồn bã nói: “Nói làm gì chuyện y đức. Chỉ vì xã hội cả thôi, ai ai cũng muốn đạp đổ tất cả để làm giàu, cha mẹ nuôi con chỉ muốn con làm nghề gì đó kiếm thật nhiều tiền cho vinh thân phì gia. Chuyện tham nhũng, làm luật chưa thấy xử lý nghiêm, trắng đen không rõ ràng, giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, bị lợi dụng… Xã hội như thế, trắng đen nhập nhòa, riêng gì ngành y tiêu cực?”.

Riêng tôi, tôi tự hỏi: Chuyện y đức đang là một thách thức, một câu hỏi không lời đáp. Nói ra thì đụng chạm, đau lòng nhau nhưng không nói có được chăng?

TR.H.
(Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 Biên Hòa)

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: “Tôi chỉ muốn Đảng mình tốt lên”

Người cao tuổi

Sau những biến động về chính trị trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt là chủ quyền trên biển Đông của nước ta bị vi phạm, chúng tôi ghé thăm cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, 96 tuổi, Thiếu tướng, CCB, cựu Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Với trí tuệ minh mẫn, cụ rành rọt trả lời tất cả những câu phỏng vấn của phóng viên Báo Người cao tuổi...

PV: - Thưa cụ! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay khi nhậm chức đã nhấn mạnh: Một trong những việc cấp bách của chúng ta hiện nay là củng cố, xây dựng Đảng. Là cán bộ lão thành cách mạng, cụ có ý kiến gì về điều này?
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: - Ngay các văn kiện của Đảng đã nêu: Có không ít những đảng viên thoái hoá, biến chất. Không ít tức là nhiều đấy! Nó ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, cho nên tôi trăn trở lắm chứ! Thoái hoá biến chất chỗ nào cũng có. Bác Hồ dạy chúng ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lòng dân là cơ bản. Cho nên phải làm thế nào lấy lại được lòng dân. Muốn vậy ta phải chỉnh đốn lại Đảng để Đảng trong sáng như những năm tháng thời đầu cách mạng. Phải chỉnh đốn từ trên xuống dưới.
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh.
PV: - Thưa cụ! Làm thế nào để chỉnh đốn được “từ trên” như cụ nói, vì đó là tầm cao nhất rồi, ai mới thực sự có thể kiểm soát được họ?
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: - Chính cái khó là chỗ đấy! Nhiều lần tôi đã đề nghị khi bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải đồng thời bầu ra một Ban giám sát hay kiểm tra, phải do cơ quan cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc bầu thì mới có đủ thẩm quyền mà xử lí đảng viên, kể cả là Uỷ viên Trung ương hay Uỷ viên Bộ Chính trị vi phạm kỉ luật.
PV: - Tức là cái tổ chức ấy có quyền hoạt động giám sát độc lập so với Bộ Chính trị?
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: - Đúng thế! Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu, thế thì phải dưới quyền chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương.
PV: - Như thế thì có mâu thuẫn hay ảnh hưởng gì đến sự lãnh đạo của Bộ Chính trị không?
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: - Không! Bởi vì người ta chỉ làm cái việc giám sát và theo dõi kỉ luật, còn việc thực hiện hay lãnh đạo vẫn là do Ban Chấp hành Trung ương, do Bộ Chính trị. Giả sử các tổ chức này trong quá trình lãnh đạo có gì không đúng với Điều lệ Đảng hay Nghị quyết Đại hội Đảng thì lúc bấy giờ Ban Giám sát người ta sẽ có ý kiến.
PV: - Có ai trả lời ý kiến này của cụ không ạ?
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: - Không có! Tiếc rằng qua mấy lần Đại hội, đề nghị này của tôi không được tiếp thu. Có người khác đề nghị như tôi nhưng cũng không được chấp nhận. Tôi thấy, nếu cứ thế này thì tiêu cực sẽ khó ngăn chặn, thậm chí nó sẽ kéo dài, thoái hoá, biến chất ngày càng nhiều.
PV: - Trong sâu thẳm trái tim mình, Đảng đối với cụ như thế nào?
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: - Năm nay tôi 96 tuổi đời, 72 tuổi Đảng. Tôi rất tự hào về Đảng ta vì đã từng lập nên những kì tích như lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Bây giờ, do một bộ phận đảng viên thoái hoá, biến chất nên uy tín của Đảng không còn được như trước nữa. Nhưng tôi vẫn hi vọng đến lúc nào đó các đồng chí lãnh đạo của chúng ta sẽ nhận ra, sẽ phát huy dân chủ trong Đảng mà chỉnh đốn Đảng thực sự.
PV: - Nói sống trong hi vọng như vậy thì đã đủ chưa, thưa cụ?
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: - Một mặt hi vọng, một mặt chúng ta vẫn phải tiếp tục góp ý, kiến nghị...
PV: - Và nếu những kiến nghị này cũng lại rơi vào im lặng?
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh: -Tôi là đảng viên kì cựu, chỉ kiến nghị như thế và cảnh báo với Đảng nếu còn tiếp tục xa dân, không lắng nghe ý kiến đúng đắn, thẳng thắn thì sẽ diễn ra tình hình ngày một xấu đi. Là người ở trong Đảng lâu năm, tôi chỉ muốn Đảng mình tốt lên.
PV: - Cảm ơn và kính chúc cụ mạnh khỏe!
Trần Ngọc Kha(Thực hiện)

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

“Con đường” đặc biệt của Trọng Tấn và Anh Thơ

TT - Lần đầu tiên, hai nghệ sĩ biểu diễn có tuổi đời còn khá trẻ tham gia Con đường âm nhạc: Trọng Tấn và Anh Thơ. Con đường âm nhạc số tháng 9 tại Hà Nội (dự kiến phát sóng vào 21g trên VTV1 ngày 18-9) sẽ là “con đường” đặc biệt của cả hai.
Ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ trong buổi luyện tập bên bà giáo Mộ La (bìa phải) và các sinh viên - Ảnh: H.Điệp

17 giờ. Trong phòng luyện thanh của khoa thanh nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia VN vẫn vang lên những tiếng hát trong bài Khúc hát nàng Solveig của tác giả Edvard Greig. Ca sĩ Trọng Tấn cùng hai chục sinh viên vừa nhập học chăm chú lắng nghe theo bản nhạc và lời nhận xét giữa mỗi quãng nghỉ của bà giáo già tóc bạc trắng tên là Mộ La. Người thể hiện Khúc hát nàng Solveig không phải là sinh viên mới, cũng chẳng phải học viên của học viện mà chính là giảng viên, ca sĩ Anh Thơ. Chị đang luyện tập để chuẩn bị cho chương trình.
Ngồi phía dưới, cùng với những sinh viên vừa nhập trường, bà giáo Mộ La thỉnh thoảng lại góp ý cho Anh Thơ trong từng câu hát. Chỗ này nên hát thế nào, chỗ kia lên cao, xuống thấp làm sao. Mái tóc trắng như cước, bà giáo Mộ La nói: “Thơ là học trò xuất sắc nhất của tôi và đến giờ vẫn thế. Ngoài tình cảm cô trò suốt bao năm, Thơ luôn đối đãi, cư xử với tôi như một người mẹ. Bây giờ tôi ở cùng với Thơ”. Còn một sinh viên mới của cô giáo Anh Thơ thầm thì từ phía dưới: “Bà giáo nghỉ hưu rồi và giờ bà có nhận dạy tại nhà. Nhưng số sinh viên được bà nhận không nhiều”.
Không nhiều ca sĩ hát nhạc trữ tình cách mạng, Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh là những cái tên quen thuộc của nhiều khán giả kén nhạc và khó tính. Nhưng khi nhắc đến một người, khán giả thường biết đến cả nhóm - những ca sĩ đang đi chung một con đường. Cùng quê, cùng tuổi, cùng học, cùng công tác và cùng biểu diễn, Trọng Tấn và Anh Thơ quả là những nghệ sĩ biểu diễn hiếm hoi có nhiều thứ gắn bó với nhau đến thế.
Thậm chí, ngay cả đến sự thành công của người này cũng có sự đóng góp của người kia. Và đương nhiên, người song ca thành công nhất với Anh Thơ chính là Trọng Tấn và ngược lại. Nói về Trọng Tấn, Anh Thơ cho rằng: “Tấn đã đạt được những thành quả nhất định trong sự nghiệp ca hát. Thật sự cậu ấy như một trái núi, và vào thời điểm này tài năng đủ độ chín, sức khỏe cũng đủ tốt, nên một chương trình tôn vinh lúc này là hoàn toàn hợp lý”.
Nếu Anh Thơ ví Trọng Tấn như một trái núi, thì trong mắt những ca sĩ trẻ khác, chị cũng sừng sững khó vượt bởi những thành quả đã đạt được. Một ca sĩ đoạt giải Sao Mai của dòng âm nhạc thính phòng có lần chia sẻ với người viết: “Trọng Tấn và Anh Thơ là cái bóng khó vượt bởi họ đã tạo nên một con đường riêng cho mình mà sau này nhiều ca sĩ muốn theo đuổi nhưng ít người tìm ra lối đi riêng”.
Con đường âm nhạc tháng 9 sẽ không chỉ có những ca khúc mà Anh Thơ và Trọng Tấn từng thể hiện thành công: Xa khơi, Mẹ ru con, Ngẫu hứng sông Hồng, Rặng trâm bầu, Tiếng đàn bầu... mà còn giới thiệu đến khán giả hình ảnh hai ca sĩ trong vai trò là những người thầy trên giảng đường Học viện Âm nhạc quốc gia.
17g45. Rời phòng luyện thanh. Anh Thơ xách hộ bà giáo túi xách. Hai cô trò dắt nhau đi về. Trước khi vào thang máy, chị nói với: “Ít người có được hạnh phúc như tôi. Tôi gặp bà cách đây gần 20 năm, và cho đến giờ tôi vẫn là học trò của bà”.
HOÀNG ĐIỆP

Ca sĩ Trọng Tấn: Tôi đang chuẩn bị cho live show đầu tiên
* Khán giả sẽ hình dung ra sao về sự nghiệp âm nhạc Trọng Tấn trên Con đường âm nhạc lần này?
- Với một thời lượng không nhiều, lại chia đều cho hai ca sĩ thì không thể nói hết về một con đường mà tôi đã và đang đi. Thế nhưng vẫn giới thiệu được đầy đủ những cột mốc gắn với sự nghiệp âm nhạc của tôi. Cũng vì thời lượng không nhiều nên yếu tố nghệ thuật được khai thác tối đa để mang đến cho công chúng không chỉ một Trọng Tấn- Anh Thơ hát nhạc đỏ mà còn cả nhạc thính phòng.
* Cuộc thi Sao Mai vừa kết thúc và anh tham gia với vai trò giám khảo. Anh nghĩ sao khi các cuộc thi được tổ chức đều đặn nhưng không mấy ca sĩ của dòng nhạc thính phòng thành công như lứa các anh?
- Thật ra không phải chất giọng của các bạn ấy yếu, thậm chí rất tốt nữa kia. Tuy nhiên, có thể do sự đầu tư chưa được tốt cả về kỹ thuật thanh nhạc lẫn biểu diễn mà ít bạn thành công như mong đợi.
* Rất nhiều ca sĩ liên tục làm sô, nhưng anh - một ca sĩ có chỗ đứng rất lâu trong lòng khán giả lại chưa từng làm một chương trình nào của riêng mình, tại sao thế?
- Vì thường được mời hát trong những chương trình được truyền hình trực tiếp nên tôi vẫn được gặp khán giả của mình chứ không hề vắng mặt. Để làm một chương trình riêng không hề đơn giản mà cần có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ càng. Các nghệ sĩ chúng tôi không có người làm PR, không biết xin tài trợ, làm một live show vào thời điểm này đừng nghĩ đến chuyện bán vé và thu lãi, mà là để đánh dấu sự nghiệp và tri ân khán giả.
* Và anh sẽ làm sô chứ?
- Có. Tôi đang lên kế hoạch chuẩn bị cho live show đầu tiên của Trọng Tấn. Con đường âm nhạc tháng 9 này sẽ là bước khởi đầu của live show đó. Chắc không lâu nữa đâu.
HÀ CHÂU thực hiện

Khi nào có một Bầu Kiên trong Quốc Hội?

Nguyễn Quang Lập

Tuần qua mải theo dõi sứ Tàu sang xứ Việt, mình không để ý đến một sự kiện lớn, đấy là việc Bầu Kiên chủ tịch CLB Hà Nội ACB đã đem một quả bom có tên là SỰ THẬT  làm nổ tung Lễ tổng kết mùa giải 2011 của VFF. Mình không quen Bầu Kiên, chỉ làm việc nhiều năm với anh Công Minh, bố vợ ông ấy thôi. Thực lòng cũng không mấy quan tâm đến ông bầu này. Ừ thì giàu, nhưng nước mình giàu như Bầu Kiên cũng chẳng hiếm. Cho đến khi ngồi xem cái clip hơn 30 phút phát biểu của Bầu Kiên bỗng thấy cảm phục và yêu mến ông bầu này quá. 
“10 năm qua bản báo cáo vẫn không có nhiều thay đổi, các anh nghĩ chúng tôi là trẻ con lớp 1, lớp 2 hay sao mà đưa ra bản tổng kết như vậy?”
“Có ít nhất 7 CLB thuộc các doanh nghiệp gọi điện cho tôi bày tỏ muốn từ bỏ giải V-League sau mùa giải 2011, chình vì lý do này mà tôi có mặt ở đây để nói thay nỗi bức xúc mà nhiều đội bóng phải hứng chịu với mong muốn đối thoại chứ không phải đôi co.”
 “Tôi xin truyền tải thông điệp, cùng nỗi bức xúc của các doanh nghiệp tham gia đầu tư và tài trợ cho bóng đá. Cá nhân tôi đã nhận được yêu cầu của ít nhất 6 CLB đề nghị rời bỏ V-League, tất cả đều sẵn sàng tổ chức một giải vô địch mang tên Super Liga.”
“Các nhà điều hành thừa khả năng nhận biết ra các trận đấu có biểu hiện tiêu cực, vấn đề là có dám mở mắt nhìn thẳng và xử lý mạnh hay không. Với thực lực của mình, tôi có thể mua 5- 10 CLB nhưng Hà Nội ACB không bao giờ chi dù chỉ 1 đồng cho trọng tài.”
“Các anh có biết vì sao tập đoàn Hòa Phát bỏ bóng đá không? Vì họ mất hết niềm tin, mất hết sự tin tưởng giải đấu. Nếu tất cả các doanh nghiệp cùng rút lui, các anh sẽ thi đấu với ai? Phải nói rằng tôi đã quá thất vọng về cách làm việc của VFF”
Đúng là một quả bom.  Phen này nếu VFF vẫn không chịu cải tổ thì nhất định VFF sẽ chuốc lấy thất bại. Một khi giải Super Liga ra đời sẽ không có một giải nào của VFF có thể cạnh tranh nỗi, VFF nhất định sẽ mất quân, nhất định sẽ rơi vào cảnh chợ chiều và sập tiệm, đó là một điều chắc chắn.
Thực ra tiếng nói của Bầu Kiên không phải là tiếng nói của kẻ không ăn thì đạp cho đổ. Nếu không muốn VFF tồn tại và phát triển thì ông Kiên chẳng lên diễn đàn nói to những điều “ai cũng  biết nhưng không ai dám nói” làm gì. Ông và 6 ông bầu khác sẽ lẳng lặng rút khỏi VFF, chuyển sang một sân chơi khác chắc chắn sẽ thú vị hơn, đem đến cho ông và CLB của ông nhiều lợi ích hơn.  Rõ ràng tiếng nói của ông Kiên là vì sự tồn vong của VFF, không phải là tiếng nói của ” lực lượng thù địch”. Sở dĩ  ông Kiên đã gây sốc mọi người  vì tiếng nói của ông đã vượt qua sự chỉ trích thông thường đạt tới một cảnh báo, một tối hậu thư cho VFF.  Ông Kiên không rung cây dọa khỉ, người ta biết ông Kiên là một thế lực, sau lưng ông là một  lực lượng đủ mạnh sẵn sàng hỗ trợ cho ông, nghĩa là nếu VFF không tỉnh ngộ thì ông sẽ làm thật, không hề nói suông.
Thời buổi lì và trơ này, nếu không có thể lực thì những góp ý, những chỉ trích và phản biện dù có lý có tình đến đâu cũng đều như nước đổ lá môn, đàn gãy tai trâu. Mình hay ngồi nhậu với bạn bè, ai cũng kêu không thời nào lì lợm , trơ trẽn, trâng tráo kinh khủng khiếp như thời này.
Cho nên muốn có những cải tổ mạnh mẽ vì sự tồn vong của chế độ, của Đất nước thì cần có ít nhất một Bầu Kiên trong  Quốc hội, chứ  một nghìn ông Nguyễn Minh Thuyết, một vạn ông Dương Trung Quốc nói năng dù có bặm trợn đến giời cũng chẳng nhằm nhò gì đâu. Bởi vì đó là tiếng nói của kẻ sĩ, kẻ sĩ chỉ có khả năng lay chuyển được tâm và trí, làm sao đánh đổ được lì và trơ.
Bao giờ sẽ có một Bầu Kiên trong Quốc hội? Khó lắm khó lắm, có lẽ không bao giờ. Một khi người ta lấy vinh thân phì gia làm lẽ sống thì  câu hỏi đó vĩnh viễn không lời đáp.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

“Giới trẻ đang mất phương hướng”

Luật sư Trần Hải Đức - đoàn luật sư TP.HCM:

TT - Là một luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án hình sự mà bị cáo là trẻ vị thành niên và những người trẻ, tôi cho rằng giới trẻ hiện đang mất phương hướng, đang bị cái xấu bao vây mà khả năng miễn nhiễm thì rất yếu.
Trẻ vị thành niên nói riêng và người trẻ nói chung coi báo chí, Internet là một kênh quan trọng để tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy những thông tin trên nhiều tờ báo, tạp chí, các trang mạng ngày nào cũng có câu chuyện vụ án sử dụng những tít tựa, hình ảnh giật gân, miêu tả tỉ mỉ như “vẽ đường cho hươu chạy”.
Bên cạnh đó, những câu chuyện “sao” này dùng hàng hiệu bao nhiêu tiền, đại gia kia đi xe triệu đô, thay người đẹp như thay áo... đều là loại thông tin người trẻ quan tâm.
Trước những thông tin đó giới trẻ được giáo dục những gì, sống trong môi trường như thế nào để hướng họ tới lối sống lành mạnh? Thực tế trong trường học, một bộ phận không nhỏ các thầy cô không còn giữ được “khuôn vàng thước ngọc” - hình ảnh những nhà giáo là chuẩn mực về đạo đức, lối sống để học sinh noi theo.
Một số thầy cô mang cả những tiêu cực của xã hội, những bức xúc cá nhân để dạy cho học trò trên lớp khiến các em mất đi niềm tin, mất đi chuẩn mực sống ngay từ trong trường học.
Ra khỏi nhà trường, giới trẻ tiếp xúc với tình trạng bạo lực tràn lan trong xã hội, những tiêu cực, bất công, cơ quan thực thi pháp luật không nghiêm, không công bằng. Đơn giản như cảnh sát giao thông “làm luật” công khai ngoài đường, đập vào mắt các em liên tục thì chính các em cũng có thể là người phải “làm luật” trong nhiều trường hợp.
“Thành trì” quan trọng nhất với các em là gia đình, nhưng nhìn lại thì tình trạng ly hôn hiện nay ngày càng tăng, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình không còn chặt chẽ như trước. Nhiều bậc cha mẹ vì bận mưu sinh ít quan tâm tới con cái, không ít bậc làm cha làm mẹ là quan chức thì tham ô tham nhũng, người kinh doanh thì buôn gian bán lận, nói một đường làm một nẻo dẫn tới không thể giáo dục được con em mình.
Môi trường giáo dục, môi trường xã hội, và quan trọng nhất là gia đình của nhiều người trẻ hiện nay không thể tạo cho họ được “sức đề kháng”, “sự miễn nhiễm” trước những cái xấu. Thậm chí chuẩn mực về tốt xấu trong xã hội hiện nay cũng có thể là một dấu hỏi mà các em không tìm được câu trả lời.
Trước những ước mơ, những khao khát khẳng định bản thân của tuổi mới lớn, các em được định hướng như thế nào ngoài trở thành đại gia, đi bên người đẹp, dùng hàng hiệu, đi xe sang... hay trở thành “anh chị” để được bạn bè, xã hội kính nể. Khi không được định hướng phải làm người chân thực, hướng thiện, có ý chí vươn lên, biết hi sinh, mà bị cái xấu bao vây thì việc người trẻ sa ngã là dễ hiểu.

GIA MINH ghi

Cục trưởng, Cục phó Cục Điện ảnh đồng loạt từ chức

Ông Lại Văn Sinh, ông Lê Ngọc Minh đã nộp đơn từ chức lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch sau vụ việc kế toán Cục điện ảnh ôm 42 tỷ đồng bỏ trốn. Đại diện Bộ xác nhận đã nhận đơn, và cho biết: "Không phải nộp đơn là cho từ chức ngay".

Ngày 3/6, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đồng thời khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Thanh Hải, sinh năm 1977 - nguyên kế toán Cục điện ảnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, từ năm 2009 đến khi bị phát hiện, Phạm Thanh Hải đã làm nhiều bộ hồ sơ ủy nhiệm chi giả để rút khoảng 42 tỷ đồng từ tài khoản của Cục Điện ảnh Việt Nam nhằm chiếm hưởng cá nhân. Sau khi bị bại lộ, Phạm Thanh Hải đã ôm tiền bỏ trốn sang Canada.
Cục trưởng Cục điện ảnh Lại Văn Sinh (trái). Ảnh: ST.
Cục trưởng Cục điện ảnh Lại Văn Sinh (trái). Ảnh: ST.
Vụ việc gây bức xúc cho nhiều người, đặc biệt là giới nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ đã cùng nhau ký tên vào đơn kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VH-TT-DL), đồng thời bày tỏ ý kiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng về trách nhiệm của ban lãnh đạo Cục điện ảnh. Trước sức ép từ dư luận, Cục trưởng Lại Văn Sinh và Cục phó Lê Ngọc Minh đã gửi đơn từ chức lên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Ông Tô Văn Động - chánh văn phòng Bộ - xác nhận với VnExpress.net, ông Lại Văn Sinh và Lê Ngọc Minh đã gửi đơn từ tuần trước, nhưng hiện tại, hai ông này vẫn nắm quyền điều hành Cục điện ảnh. "Không phải nộp đơn là cho từ chức ngay. Bộ đã thành lập đoàn thanh tra bắt đầu làm việc với Cục từ hôm nay (12/9) đến hết tuần. Đây là một vụ lừa đảo, vì vậy phải làm việc thận trọng để làm rõ trách nhiệm từng người đến đâu, từ đó mới có quyết định xử lý" - ông Động cho biết. Việc điều hành tổ chức Liên hoan phim VN lần 17 diễn ra vào tháng 12 tại Phú Yên đã được bàn giao cho Thứ trưởng VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái, ông Tô Văn Động và bà Ngô Phương Lan - hiện là Cục phó Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL).
Cũng theo ông Động, thông tin "sau liên hoan phim, phó ban tổ chức Ngô Phương Lan sẽ ở lại phụ trách công việc ở Cục Điện ảnh thay cục trưởng vừa từ chức" là không có cơ sở. Ông Động khẳng định, Bộ chưa có bàn thảo gì về nhân sự mới, việc lựa chọn người thay thế cần phải xem xét, cân nhắc kỹ vì điện ảnh là ngành quan trọng, có tính xã hội cao.
NSND Trần Phương và NSND Trà Giang. Ảnh: ST.
NSND Trần Phương (trái) và NSND Trà Giang. Ảnh: ST.
Trước thông tin Cục trưởng, Cục phó Cục điện ảnh nộp đơn xin từ chức, NSND Trần Phương - người từng ký tên trong đơn kiến nghị cho biết, với ông đây hoàn toàn không phải là một tin vui. "Anh em nghệ sĩ làm đơn kiến nghị chỉ mong sự việc không chìm xuồng, Nhà nước sẽ vào cuộc thu hồi tiền trả lại Cục điện ảnh, chứ không nhằm mục đích thanh trừng lẫn nhau, mong ai đó phải từ chức. Hoàn toàn không có yêu ghét cá nhân nào ở đây, chỉ là chúng tôi quá khổ tâm khi nhìn điện ảnh VN ngày càng đi xuống" - NSND Trần Phương chia sẻ.
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - tỏ ra không bất ngờ khi nghe tin này. "Đây là điều tất yếu, thấy mình cần làm việc gì thì nên làm. Chúng ta nên quen với văn hóa từ chức. Vinashin nợ gần trăm nghìn tỷ đồng chẳng ai từ chức, nên việc từ chức của Cục điện ảnh là đáng khen" - bà Ngát đánh giá. Điều bà lo lắng nhất là sau "vụ việc 42 tỷ", kinh phí rót cho ngành điện ảnh sẽ bị hạn chế vì ngành đã làm mất niềm tin ở cấp trên. Điều này khiến điện ảnh Việt Nam vốn eo hẹp nay càng khó khăn hơn. Về nhân sự mới thay thế ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh, bà Ngát cho rằng, người tài trong thiên hạ không thiếu, chọn đúng người mới là quan trọng.
Trong việc xét Giải thưởng Nhà nước năm nay, vụ lùm xùm ở Cục Điện ảnh được cho là không ảnh hưởng đến cơ hội ông Lê Ngọc Minh được xét giải ở tư cách biên kịch. "Trong luật và thông tư quy định, người vi phạm pháp luật, bị tước quyền công dân sẽ không được xét Giải thưởng Nhà nước. Ông Minh vẫn đang trong quá trình xem xét, cân nhắc trách nhiệm liên quan, nếu không bị truy tố thì không bị loại hồ sơ. Những đóng góp của ông Minh dưới góc độ biên kịch vẫn nên được suy tôn. Nên nhìn nhận sự việc ở góc độ nhân văn" - ông Tô Văn Động phân tích.
Ngọc Trần (VNE)

Đảng trong doanh nghiệp, nên hay không?

Written by truongduynhat
dang trong doanh nghiep Việc của đảng thì đảng cứ làm, chi bộ đảng thì bàn chuyện ở chi bộ, sao lại dám xông vào “chủ động, trực tiếp bàn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, bức xúc” của doanh nghiệp? Nghị quyết của đảng sao lại đem đi quán triệt cho linh mục, thầy tu?
          Hình như có hẳn mấy dợt hội nghị, hội thảo toàn quốc gì đấy bàn về tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Ý kiến ý cò nghe đâu cũng toàn bậc giáo sư tiến sĩ, trung ương ủy viên tùm lum. Để rồi có báo chạy cái tít đọc phát hoảng “nâng cao sức hấp dẫn của đảng”.
          Không biết rồi sẽ làm gì để đảng “hấp dẫn” hơn. Nhưng bắt nhét đảng vào mọi chốn mọi nơi như hiện nay thì chẳng những không “nâng cao” được “sức hấp dẫn” cho đảng, mà ngược lại còn làm tầm thường đảng. Doanh nghiệp nào thuộc đảng thì phát triển đảng viên, hình thành tổ chức, chi bộ, đảng bộ chi đó. Chứ doanh nghiệp người ta kinh doanh làm ăn thuần túy, không dính gì đến đảng sao cứ phải “cấy” đảng vào?
          Ông Vũ Văn Phúc, Ủy viên trung ương đảng, cựu Phó ban Tuyên giáo trung ương, nay là Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản vung tay chỉ huấn một câu nghe như thánh tướng: “Tổ chức đảng phải chủ động, trực tiếp bàn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, bức xúc ở doanh nghiệp và của người lao động”.
          Ơ hay, việc của đảng thì đảng cứ làm, chi bộ đảng thì bàn chuyện ở chi bộ, sao lại dám xông vào “chủ động, trực tiếp bàn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, bức xúc” của doanh nghiệp?
          Cũng như việc tổ chức cả những hội nghị quán triệt nghị quyết đảng cho các vị linh mục, thầy tu. Tôi không hiểu vì sao người ta lại đem đảng đi quán triệt, dạy dỗ lung tung vậy. Chức sắc tôn giáo chuyên lo việc trong nhà thờ, chùa chiền, cớ sao cứ bắt họ quán triệt nghị quyết đảng? Đảng và nghị quyết của đảng sao cứ phải “xông” vào trong nhà thờ với chùa chiền? Hay phương cách “xông vào” ấy sẽ “nâng cao sức hấp dẫn” cho đảng?
          Tư duy như vậy thì đảng yếu đảng hỏng là phải, chứ còn mong chi “sức hấp dẫn”. Đây là điều nghiêm túc mà tôi thiết nghĩ đảng cần phải chỉnh dẹp, chứ không phải chuyện xỉa mói gì.
          Tối qua nhậu với thằng Vả, một doanh nghiệp hàng đại gia. Hắn không đảng, nhưng “khoe”: Tao cho công ty phát triển được 76 đảng viên, hình thành 2 chi bộ đảng hẳn hoi.
          Tôi hỏi:
          – Vậy đảng lãnh đạo mày thế nào?
          – Đứa nào dám lãnh đạo tao?
          – Ơ, nguyên tắc là đảng lãnh đạo toàn diện mà!
          – Lãnh cái… ! – Hắn cười phá lên: Đứa nào to mồm can thiệp vào việc kinh doanh tao đấm cho vỡ mồm, ngày mai biến- mất việc. Đảng điếc, chi bộ thì cũng như tôn giáo, hội đoàn… anh chị công nhân nào thích thì tham gia, kết nạp, tớ không cấm, cũng chả khuyến khích. Nhưng sinh hoạt đảng hay đi nhà thờ nhà thiếc chùa chiền chi đó cũng phải lựa lúc, biết tranh thủ thời gian hợp lý không được làm ảnh hưởng đến công việc của công ty.
          Nghe hắn nói tôi hoảng quá. Đảng điếc như thế thì làm hỏng đảng, tầm thường đảng đi chứ “nâng cao sức hấp dẫn” nỗi gì?

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Biểu tình không cần xin phép

Luật gia Nguyễn Tường Tâm - Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam, quần chúng có thể BIỂU TÌNH KHÔNG XIN PHÉP để lên tiếng ĐÒI HỎI CHÍNH QUYỀN BẤT CỨ MỘT ĐIỀU GÌ liên quan tới quyền hiến định, nếu chịu chấp nhận tổn thất nhỏ là “bị tạm giam tối đa 24 tiếng đồng hồ”. Đồng thời, nếu trong lúc dẹp biểu tình mà chính quyền, kể cả công an lẫn các cơ quan báo, đài truyền thanh truyền hình, mà vi phạm quyền hiến định của người biểu tình thì họ có quyền kiện. Và trong trường hợp đó người biểu tình nên kiện, theo gương của 10 trí thức tiên phong, để tạo một bầu không khí trong đó kiện chính quyền là bình thường trong một quốc gia Việt Nam thực sự tự do và dân chủ...

*

An unjust law is itself a species of violence. Arrest for its breach is more so.
(Một đạo luật bất công tự thân là một hình thức bạo hành. Bắt giam người vi phạm đạo luật đó lại còn là một sự bạo hành hơn nữa.)Mahatma Gandhi

Vấn đề được đặt ra là nếu chính quyền từ chối cấp phép mà người dân vẫn biểu tình thì sao? Hay là nếu người dân biểu tình mà không xin phép chính quyền thì sao?

Bài khảo cứu chuyên môn này về quyền tự do biểu tình đặt trong khuôn khổ luật pháp hiện hành về quyền biểu tình của Việt Nam (không mở rộng sang những lãnh vực khác của luật hình sự như những chương điều liên quan tới anh ninh quốc gia và các quyền tự do khác) và trong giả định chính quyền thực tâm tôn trọng luật pháp do chính họ đặt ra. Trong khuôn khổ như vậy, người dân Việt Nam có thể thực thi quyền TỰ DO BIỂU TÌNH MÀ KHÔNG CẦN XIN PHÉP.

Ý niệm “tự do biểu tình không cần xin phép” đã được chính Bác Hồ mặc nhiên công nhận cách nay gần 70 năm. Mở đầu Sắc lệnh số 31 ngày 13/9/1945, Bác Hồ đã nhận định “Tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà”. Bác nhận định tiếp, “Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;” Do hai nhận định trên của Bác Hồ, điều thứ 1 của Sắc Lệnh số 31 đã qui định “Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ”. Khi qui định như vậy, Bác Hồ đã hàm ý “nếu trong tình thế bình thường, không có gì đặc biệt, thì “Những cuộc biểu tình KHÔNG CẦN PHẢI KHAI TRÌNH nữa”.

Đất nước ta đã chấm dứt chiến tranh được 36 năm (kể từ 1975). Bọn Mỹ đã cút khỏi đất nước ta 2 năm trước đó. Bọn ngụy cũng đã chết gần hết vì tuổi già. Nếu còn sống thì bọn ngụy bây giờ cũng đã trên dưới 70, cái tuổi không còn có thể gây nguy hại cho tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa. Bên ngoài chúng ta đang giao hảo với Trung Quốc. Mặc dù lâu nay có những va chạm, nhưng các va chạm đó theo công bố của báo chí trong nước thì ở mức độ nhỏ và sẽ được chính phủ hai nước giải quyết theo đường lối thương thuyết hòa bình, thân thiện. Vậy thì không còn lý do gì để chính quyền giới hạn khắt khe quyền biểu tình của người dân.

Thậm chí chính quyền KHÔNG THỂ GIỚI-HẠN QUYỀN BIỂU TÌNH KHẮT KHE HƠN CHẾ ĐỘ NGỤY Ở MIỀN NAM TRƯỚC 1975. Nhà nước ta cứ nói bọn ngụy quyền miền Nam là độc tài, tàn ác, đàn áp nhân dân, nhưng thực ra dân chúng trong nam thời đó được tự do biểu tình hơn bây giờ nhiều. Bằng chứng rõ ràng là vì bọn ngụy quyền miền nam tôn trọng quyền tự do biểu tình của người dân hơn nhà nước ta ngày nay rất nhiều nên nhiều đồng chí nội thành của ta như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Hiếu Đằng v.v... và còn nhiều đồng chí còn sống khác nữa, mới có thể công khai vận động tổ chức những cuộc biểu tình lôi kéo đông đảo quần chúng, sinh viên học sinh tham dự để ủng hộ cuộc chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của chúng ta. Chẳng lẽ sau khi giải phóng được miền nam, thống nhất đất nước, tình thế yên bình, chúng ta lại tiêu diệt quyền tự do biểu tình mà vốn dĩ nhân dân miền nam dưới chế độ ngụy vẫn được hưởng hay sao?

Điều 69 Hiến Pháp 1992 hiện hành có thêm chi tiết “theo qui định của pháp luật” để qui định : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Trong khi Quốc Hội chưa ra luật biểu tình thì chính cái đuôi “theo qui định của pháp luật” này đã khiến đại đa số dân chúng thấy ngập ngừng, âu lo và khó hiểu về quyền tự do biểu tình. Do đó mới có hiện tượng một số người lên tiếng yêu cầu Quốc Hội sớm ban hành “luật biểu tình”, và đa số người dân không dám biểu tình dù rằng, kể cả công an, ai cũng muốn biểu tình bày tỏ lòng yêu nước như 11 cuộc biểu tình chống Trung quốc vừa qua. Trong sự ngập ngừng, âu lo về quyền tự do biểu tình, hai bài bàn về quyền này, một của tiến sĩ Hoàng Xuân Phú (1) và một của Luật Sư Huỳnh Văn Đông (2) đã được đón nhận khá nồng nhiệt. Bài khảo cứu này của tôi chỉ bàn thêm một bước nữa về quyền biểu tình mà hai vị trí thức đó chưa bàn, đó là “BIỂU TÌNH KHÔNG CẦN XIN PHÉP”.

Bàn về ý nghĩa pháp lý của cụm từ “theo qui định của pháp luật” là một vấn đề chuyên môn “sâu” không cần thiết phải đề cập tới trong bài khảo cứu phổ thông này. Người dân chỉ cần biết nguyên tắc cụ thể hiện nay theo Bộ Luật Hình Sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 là chưa có đạo luật nào qui định quyền tự do biểu tình thì mọi người đều có quyền biểu tình mà không bị hạn chế gì cả, không sợ vi phạm pháp luật gì cả. Quả thực vậy, “Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự” của BLHS hiện hành qui định, “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.” Điều này áp dụng một trong các nguyên tắc căn bản lâu đời của luật pháp các quốc gia văn minh là “Vô Luật Bất Thành Tội”. Nói nôm na, “Người dân được tự do làm tất cả những gì luật pháp không cấm”.

Nhưng để đối phó với 11 cuộc biểu tình của nhân dân chống Trung Quốc xâm lăng vừa qua, Ủy ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội có nhắc tới một nghị định liên quan tới quyền biểu tình của người dân. Đó là Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP. Bởi thế, để thực thi quyền tự do biểu tình, người dân chỉ cần quan tâm tới nội dung nghị định này mà thôi. Điều trước tiên, không cần phải viện dẫn tự điển, người dân Việt nào cũng hiểu nhóm từ “tập trung đông người nơi công cộng” dùng trong nghị định này là để chỉ hành vi biểu tình. Mặc dù biểu tình cũng có thể được thực hiện bởi chỉ một người.

Nghị định này có những qui định về thủ tục xin phép biểu tình, về những hành vi bị nghiêm cấm và những nguyên tắc và biện pháp xử lý những hành- vi vi-phạm trật tự công cộng.

Về thủ tục xin phép biểu tình, điều 7 của nghị định ghi rõ, việc biểu tình phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra biểu tình. Nội dung đơn xin phép biểu tình được qui định theo điều 8 của nghị định gồm có: tên, tuổi, địa chỉ của người đăng ký, mục đích biểu tình, ngày giờ, địa điểm và lộ trinh, số người dự kiến tham gia, các phương tiện và biểu ngữ, hình ảnh mang theo.

Các qui định vừa nêu đều dễ dàng chấp hành. Nhưng nghị định cũng có qui định những hành vi nghiêm cấm trong điều 5.

Các hành vi mà điều 5 của nghị định này nghiêm cấm thực ra đã bị nghiêm cấm bởi các điều 88 và 89 của Bộ luật hình sự năm 1999 rồi. Điều 5 của nghị định 38/2005/NĐ-CP chỉ lập lại mà thôi. Đó là một sự lập lại không cần thiết và chỉ làm rối rắm thêm một văn bản pháp qui. Do đó khi thảo luận về quyền tự do biểu tình, thiết tưởng không cần thảo luận tính cách hợp hiến hay không của 2 điều luật hình sự vừa nêu mà chỉ cần nhớ những điều chính yếu ngăn cấm trong hai điều luật đó để tránh vi phạm (còn nếu người biểu tình đã tránh vi phạm mà vẫn bị chính quyền vu cáo, chụp mũ thì vấn đề lại bước sang một lãnh vực khác, không nằm trong phạm vi bài khảo cứu này). Những điều cần nhớ trong hai điều luật hình sự 88 và 89 như sau:

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 89. Tội phá rối an ninh

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Nếu những người biểu tình giữ ở tình trạng ôn hòa và tránh vi phạm các qui định ở điều 88 và 89 BLHS ở trên, đặc biệt tránh chống đối khi bị công an cưỡng bức, thì các vi phạm nào khác theo nghị định 38 này, nếu có, chỉ là những vi phạm “trật tự công cộng”. Thực vậy, quan điểm này được ghi nhận chính trong bản thân nghị định. Về nguyên tắc và phương thức xử lý các vi phạm đối với nghị định 38/2005/NĐ-CP, điều 6 có tiêu đề, “Điều 6. Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng” và điều 11 cũng có tiêu đề, “Điều 11. Xử lý vi phạm pháp luật về trật tự công cộng.”

Người đi biểu tình cũng như công an dẹp biểu tình đều cần hiểu và nhớ, một “vi phạm về trật tự công cộng” chỉ là một vi phạm hành chính, tương tự như đi xe không đội mũ bảo hiểm, hay đi xe vượt đèn đỏ v…v.

Cũng chỉ là một vi phạm hành chính khi người biểu tình không có giấy phép do chính quyền cấp. Điều 8 của nghị định 38/2005/NĐ-CP qui định, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản đăng ký, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đăng ký tập trung đông người.

Vấn đề được đặt ra là nếu chính quyền từ chối cấp phép mà người dân vẫn biểu tình thì sao? Hay là nếu người dân biểu tình mà không xin phép chính quyền thì sao?

Rõ ràng một sự biểu tình không phép như vậy là vi phạm vào nghị định 38/2005/NĐ-CP của chính phủ. Nhưng điều quan trọng cần nhớ: nghị định của chính quyền các cấp chỉ là một văn bản hành chánh chứ không ngang hàng với một đạo luật của Quốc Hội. Tất cả mọi văn bản hành chánh đều có giá trị dưới luật. Vi phạm một nghị định hay văn thư của chính quyền mọi cấp không cấu thành một tội phạm hình sự. Đó chỉ là một “Vi phạm hành chánh” .

Vi phạm hành chính cần phải được xử lý đúng theo “Điều 44. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính” của “Pháp Lệnh Về Xử Lý Vi Phạm Hành Chính” được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ban hành ngày 02 tháng 07 năm 2001. Quan điểm này đã được Luật Sư Huỳnh Văn Đông chia sẻ trong bài “Vài chia sẻ về quyền đi biểu tình” (3). Khoản 2 và 3 của Điều 44 qui định người vi phạm hành chánh chỉ có thể bị bắt giữ tối đa 24 giờ và chính quyền phải trao cho người bị tạm giữ một văn bản tạm giữ. Nguyên văn hai điều khoản đó như sau:

2. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ.

Như vừa phân tích ở trên, nếu những người biểu tình giữ ở tình trạng ôn hòa và tránh vi phạm các qui định ở điều 88 và 89 BLHS thì tối đa chỉ bị tạm giam có 24 tiếng đồng hồ. Cuộc tranh đấu cho tự do nào cũng phải trả giá, cái giá “bị tạm giam tối đa có 24 tiếng đồng hồ” là quá nhẹ.

Trong trường hợp biểu tình ôn hòa không vi phạm các nghiêm cấm của điều 88 và 89 BLHS, mà công an vẫn bắt giam vô cớ, dùng vũ lực quá đáng, ép cung và giam giữ quá 24 tiếng đồng hồ hay công an có những vi phạm hình sự khác nữa thì người biểu tình có thể nạp đơn kiện. Quan điểm này đã được các luật sư Trần Đình Triển , Nguyễn Quốc Đạt và Lê Quốc Quân làm rõ qua bài “Người biểu tình bị bắt có thể kiện công an” đăng trên BBC (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110828_protestors_vn_police.shtml) khi các ông cho hay các công dân có nhu cầu khiếu kiện có thể nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cũng trong bài trên, từ góc độ bình luận luật pháp, luật sư Trần Đình Triển nói rằng những người dân cho rằng bị nhà chức trách lạm dụng quyền lực có thể "nhờ các luật sư bảo vệ quyền lợi."

Thực tế vừa có một tiền lệ những người biểu tình kiện chính quyền là đơn kiện gửi tòa án Hà Nội ngày mùng 5/9/2011 của 10 nhân sĩ trí thức nổi tiếng đã từng tham gia biểu tình kiện Đài Phát Thanh và Truyền Hình Hà Nội về tội danh vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình. (4)

Trong các cuộc biểu tình không xin phép này những người biểu tình có thể làm gì và nên làm gì?

Điều tối quan trọng là những người biểu tình phải “đi lề phải”. Tức là phải tuân thủ Hiến Pháp và hai điều 88 và 89 của BLHS. Như vậy sẽ hạn chế rủi ro bị chính quyền vu khống. Hay nếu bị vu khống, chụp mũ thì vẫn có lý để cãi.

Nhưng đồng thời những người biểu tình không cần phải luôn luôn có mục tiêu chống Trung Quốc. Trong cuộc sống, đặc biệt cuộc sống hiện nay, người dân Việt Nam có muôn điều cần bày tỏ, cần đòi hỏi chính quyền quan tâm. Người dân có thể biểu tình để đòi hỏi được thực thi những quyền hiến định khác nữa. Ví dụ quyền tự do ra báo, quyền tự do viết blog, quyền tự do cư trú không bị công an khu vực và tổ dân phố xâm nhập mặc dù có sự phản đối của mình, quyền tự do đi lại không bị ngăn cản vô cớ mặc dù không bị án quản chế, đòi chính quyền phải nhanh chóng điều tra sự việc những tên đầu gấu tấn công người biểu tình (thực chất đó là những tên công an giả dạng), đòi chấm dứt bắt người vô cớ v…v. Nói tóm lại, bất cứ quyền gì mà hiến pháp qui định thì người dân đều có quyền biểu tình để đòi hỏi chính quyền phải bảo đảm và tạo điều kiện dễ dàng cho người dân thực thi các quyền đó, cũng như phải bảo đảm an toàn sinh mạng cho người dân.

Thực tế hiện nay tại những nước văn minh thường thì người dân biểu tình chẳng cần xin phép gì cả. Lý do là vì không nước nào có các đạo luật qui định về quyền biểu tình mà chỉ có các nghị định, văn thư, tức là các pháp qui hành chính. Các pháp qui này chỉ nhằm bảo đảm cho người muốn biểu tình được thực hiện quyền đó một cách tốt đẹp, do đó nếu người biểu tình cảm thấy không cần sự hỗ trợ của chính quyền thì họ chẳng cần xin phép. Thường thì những cuộc biểu tình đông khoảng hàng chục ngàn người trở lên ban tổ chức mới xin phép để chính quyền hỗ trợ, bởi vì với số đông đảo đó, ban tổ chức thấy khó kiểm soát nổi. Những cuộc biểu tình bạo động tại London Anh Quốc trong tháng qua là một ví dụ. Nếu các cuộc biểu tình đó không có bạo động thì cảnh sát Anh quốc không cần can thiệp. Nhưng điều cần hiểu rõ rằng cho dù có bạo động thì ban tổ chức hay những người biểu tình không bạo động cũng không bị bắt giữ hay chịu trách nhiệm. Cảnh sát chỉ bắt giữ những người bạo động trong cuộc biểu tình mà thôi. Và sự trừng phạt cũng chỉ ở mức vi cảnh chứ không bị đưa ra tòa với những bản án lâu ngày. Tại Hoa Kỳ thường có vô số cuộc biểu tình tự phát của quần chúng chẳng ai xin phép cả mà cũng không sao, cuộc biểu tình vẫn suông sẻ như trong trang mạng ở đây cho thấy (http://www.indybay.org/). Tại thành phố San Jose, tiểu bang California trong mấy năm qua có nhiều cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt và rất ít khi ban tổ chức xin phép trước. Ngay cả cuộc biểu tình có khi đông tới 3000 ngàn người gốc Việt ngay trước trụ sở Hội Đồng Thành Phố để phản đối chính quyền, ban tổ chức cũng không xin phép và cảnh sát cũng không can thiệp mà cũng chẳng cần hiện diện. Biểu tình chán thì tự họ giải tán. Clip video này là một ví dụ (http://www.youtube.com/watch?v=776_--_qiHA).

Qua những luận điểm và bằng chứng vừa nêu, người ta thấy trong khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam, quần chúng có thể BIỂU TÌNH KHÔNG XIN PHÉP để lên tiếng ĐÒI HỎI CHÍNH QUYỀN BẤT CỨ MỘT ĐIỀU GÌ liên quan tới quyền hiến định, nếu chịu chấp nhận tổn thất nhỏ là “bị tạm giam tối đa 24 tiếng đồng hồ”. Đồng thời, nếu trong lúc dẹp biểu tình mà chính quyền, kể cả công an lẫn các cơ quan báo, đài truyền thanh truyền hình, mà vi phạm quyền hiến định của người biểu tình thì họ có quyền kiện. Và trong trường hợp đó người biểu tình nên kiện, theo gương của 10 trí thức tiên phong, để tạo một bầu không khí trong đó kiện chính quyền là bình thường trong một quốc gia Việt Nam thực sự tự do và dân chủ.