Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

"Một đất nước không coi trọng trí thức làm sao phát triển được”

- “Khi tôi làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, có chủ nhiệm một số đề tài. Họp một buổi cứ phải báo cáo thành hai buổi. Sau đó, tôi có ý kiến cho Hội đồng Lý luận Trung ương một cơ chế đặc biệt cho việc giải ngân những đề tài khoa học nhưng giờ vẫn chưa thực hiện được”.

Phát biểu rất “người trong cuộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến cả hội trường bật cười… Trong buổi trao đổi với Tổng Bí thư sáng 13/8, các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã chia sẻ nhiều tâm huyết vì khoa học, kể cả những vướng mắc, đơn cử như là “giải trình với Nhà nước việc tiêu  tiền nghiên cứu khoa học là việc vô cùng khó”.

VUSTA sẽ dự giao ban tháng của Chính phủ?

Đi cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe ý kiến các nhà khoa học thuộc VUSTA về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”  -  còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng - Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thứ trưởng các Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính...

Bản báo cáo dài 10 trang của GS.VS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA được trình bày trong khoảng 15 phút theo những ý mà ông đã gạch trước bằng bút nhớ dòng. Nhiều nhà khoa học đã đồng tình với GS Đặng Vũ Minh khi báo cáo của ông nhấn mạnh về khó khăn của việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW…. Qua phát biểu của một số nhà khoa học và “lời đáp” của phó Thủ tướng Chính phủ, cho thấy vướng mắc của việc VUSTA được đối xử là tổ chức chính trị - xã hội là chuyện không mới.

a
Lần đầu tiên, Tổng Bí thư đến thăm VUSTA.  Ảnh: Trần Hải

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo văn bản thể chế hóa hoạt động của Liên hiệp hội theo tính chất tổ chức chính trị - xã hội trước ngày 30/9. Ông Nhân cho biết thêm, sẽ mời đại diện VUSTA tham gia giao ban hàng tháng của Chính phủ và đề nghị được nghe báo cáo về quy chế “Phát huy vai trò tư vấn phản biện của Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam” trước ngày 30/10.

Chủ tịch VUSTA đề nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư định kỳ nghe báo cáo trực tiếp những vấn đề liên quan đến công tác trí thức khoa học và công nghệ.

“Đếm trang ăn tiền” sẽ tầm thường hóa trí thức

Phát biểu của GS Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam là những lời chân tình gửi tới Tổng bí thư, GS Nguyễn Phú Trọng. Ông nói, trí thức rất ghét “được” ai đó thương hại, nói mấy lời ngợi ca “làm quà” và “bố thí” cho một vài lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào đó.


>>GS Chu Hảo:"Mong Tổng Bí thư thể hiện dấu ấn cá nhân"
>>Là trí thức, chúng tôi có tư duy độc lập, sáng tạo
>>GS Nguyễn Lân Dũng: "Nếu chúng tôi được tin thì..."
>>“Báo cáo Tổng Bí thư, Việt Nam không giàu tài nguyên đâu”
Ông cho rằng, trí thức có thể làm được nhiều việc tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước nhưng mong có cơ chế chính sách phù hợp, “đếm trang ăn tiền” sẽ làm tầm thường hóa đội ngũ trí thức.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh thành thật, Bộ Tài chính không tự nghĩ ra cơ chế. Và bà đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ, VUSTA giúp xây dựng “tiêu chí phân bổ ngân sách cho phù hợp với giá trị của sản phẩm khoa học công nghệ”.

Tranh thủ được phát biểu ý kiến trước Tổng Bí thư, GS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức mong người lãnh đạo cao nhất của Đảng thể hiện dấu ấn cá nhân ở 4 vấn đề…

PGS. TS Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch VUSTA, băn khoăn, dường như hiện nay, bất cứ vấn đề gì chưa muốn đề cập thì nói là nhạy cảm. Chúng ta xây dựng quy định về cơ chế dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội rất hay nhưng chưa có cơ chế để nghiên cứu những vấn đề nhạy cảm.

Ông thẳng thắn: “Vấn đề gì cũng nói là nhạy cảm, đặc biệt là những chuyện mà quảng đại người dân quan tâm thì có thể làm cho người dân xa Đảng”.

Những cái gật đầu của Tổng Bí thư

Trong hơn 3 tiếng nghe 10 nhà khoa học nêu ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục ghi chép và gật đầu tán đồng.

Phát biểu rất “người trong cuộc” về thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận cũng phải “họp một buổi cũng phải báo cáo thành hai” của vị Tổng Bí thư khiến cả hội trường bật cười. Các nhà khoa học hẳn đều tin rằng, không chỉ vướng mắc về cơ chế chi tiêu, những ý kiến họ đưa ra đều được thấu hiểu như thế.

GS Chu Hảo cho biết, trong giờ nghỉ giải lao, Tổng Bí thư hứa sẽ tiếp tục trao đổi. Với “đức tính khiêm tốn” (như GS Chu Hảo nhận xét), trong phần biểu kết thúc buổi làm việc, Tổng Bí thư nói sắp tới “sẽ cố gắng, chứ không dám nói trước. Cứ làm rồi cùng nhau xây dựng, hữu xạ tự nhiên hương...”.

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng khuyên, đối với các trí thức, khi nêu ý kiến, đạt được một kết quả nào đó rồi thì dừng lại. Sau đó lại tiếp tục góp ý.

Với những người có trách nhiệm, ông đề nghị: “Nghe rồi, nếu chưa có điều kiện tiếp thu ý kiến, phải trả lời lại để người ta biết…”.

Ông khẳng định: “Ai coi nhẹ trí thức, không biết trọng dụng phát huy tài năng của họ là người ấy dại. Một đất nước không coi trọng trí thức làm sao phát triển được”.

Hoàng Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét