Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Là trí thức, chúng tôi có tư duy độc lập, sáng tạo

- Bài phát biểu của GS Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã nhận được sự tán thành của các đại biểu trong buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại VUSTA sáng 13/8/2011.

Bee.net.vn xin lược đăng bài phát biểu trên. Các tiêu đề do Bee.net.vn tự đặt.

"…Hội khoa học Kinh tế Việt Nam hoàn toàn tán thành nội dung báo cáo và các kiến nghị mà GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên Hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trình bày. Để giải trình thêm cho bản báo cáo đầy súc tích này, tôi xin được phát biểu mấy ý kiến cụ thể như sau:

Hoan nghênh và cảm ơn

Chúng tôi cảm ơn Đảng ta đã ra Nghị quyết 27/NQ-TW ngày 06/8/2008 “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đó là quan điểm chính thống đã được Hội nghị Trung ương bảy, khóa X thông qua, thể hiện quan điểm của Đảng ta, coi “trí thức là lớp những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.

GS Nguyễn Quang Thái.
GS Nguyễn Quang Thái rất mong có được những cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của lao động trí óc.

Đó là sự đánh giá rất cao của Đảng đói với tầng lớp trí thức Việt Nam nói chung. Sự kiện này đi cùng với các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương như Chỉ thị 42/CT-TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với đội ngũ trí thức nói chung và đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ trong Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, ở trong hay ngoài biên chế, nhiều tuổi hay còn trẻ tuổi, cùng nhau chung sức, chung lòng tham gia vào sự nghiệp tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong phát triển đất nước, đồng thời tăng cường phổ biến kiến thức khoa học công nghệ trong nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thực hiện giảm nghèo bên vững, góp phần phát triển bền vững đất nước…

Trí thức chân chính không thích “xin – cho”

Xét rằng đội ngũ trí thức nguồn gốc rất đa dạng, quá trình phấn đấu học tập rèn luyện rất khác nhau, nhưng trí thức có đặc trưng chung là có tư duy độc lập và sáng tạo, có thể cùng nhau góp sức để phục vụ đất nước, như các thế hệ cha anh đã làm suốt 66 năm qua từ khi dựng nước mùa thu tháng 8/1945 đến nay, có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. 

Đội ngũ trí thức nói chung, giới trí thức khoa học và công nghệ, đến từng nhà trí thức riêng lẻ có nét chung nữa là rất tự trọng. Chúng tôi rất muốn được Đảng và xã hội đánh giá đúng, coi trọng và sử dụng những khả năng của từng nhà khoa học và cả đội ngũ trí thức khoa học công nghệ.

"Đề nghị Bộ Chính trị nghe VUSTA báo cáo định kỳ"
Qua cống hiến của mỗi người và qua việc đóng góp vào sự nghiệp chung đó của cả đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, từng nhà khoa học có thể được xã hội đánh giá và trả công lao động xứng đáng, tương ứng với những đóng góp, dù còn rất khiêm tốn của mình vào sự nghiệp của cả dân tộc.
Cũng xin nói thật rằng, chúng tôi rất ghét “được” ai đó thương hại, nói mấy lời ngợi ca “làm quà” và “bố thí” cho một vài lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào đó. Theo cá nhân tôi, đó không phải là ước nguyện chung của những người trí thức chân chính.

Chúng tôi hoàn toàn có khả năng làm việc tốt hơn, nhiều hơn vì sự nghiệp chung, và qua đó được trả công lao động tốt hơn, xứng đáng với những gì mà từng cá nhân và cả đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ có thể đóng góp cho đất nước cả về số lượng và chất lượng!

“Đếm trang ăn tiền” là tầm thường hóa đội ngũ trí thức?

Để được lao động và được trả công lao động xứng đáng, chúng tôi rất mong có được những cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của lao động trí óc. Khi nghiên cứu một cách đơn giản hóa sự phát triển xã hội, người ta có thể quy lao động phức tạp (của giới trí thức) thành một bội số nào đó của các lao động giản đơn. Nhưng nếu các cơ chế chính sách về trả công lao động mà như tình trạng “đếm trang ăn tiền”, thậm chí đếm số buổi tham gia hội thảo nhiều hay ít một cách giản đơn để tính tiền bồi dưỡng ... có thể không chỉ làm tầm thường hóa đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, mà còn làm giảm sự đóng góp của họ.

Do đó, chẳng hạn, trong cơ chế thực hiện của các dự án, chương trình làm việc của Chính Phủ và các ngành, các địa phương, nên có quy định nguyên tắc rằng tương ứng với nội dung công việc, cần có nhiệm vụ về tư vấn, phản biện và giám định xã hội, và trên cơ sở đó sẽ được “khoán” một mức chi phí hợp lý như các công việc xây dựng, thi công khác (có điều chỉnh dần) theo một số loại hình, phù hợp với số lượng và chất lượng áng chừng, để trả công lao động và các chi phí tương ứng.

Qua đó, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ có thể tập hợp, cùng nhau giám sát quá trình làm việc của Chính Phủ, các ngành các địa phương (và cũng giám sát lẫn nhau để nâng cao chất lượng công việc) từ giai đoạn khởi đầu ý tưởng dự án, chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và cùng nhân dân kiểm soát và thụ hưởng các thành quả của dự án. Đó cũng là một giải pháp để loại bỏ dần cơ chế “xin-cho” quá phổ biến hiện nay, làm thẩm định dự án, quy hoạch một cách hình thức mà chúng ta đã biết thường xẩy ra!.

Cũng cần có những cơ chế thuận lợi cho việc đề xuất các ý tưởng mới, sáng tạo chưa có trong “kế hoạch” đã được thông qua từ năm trước, từ mấy năm trước theo cơ chế kế hoạch cứng. Cần coi trọng các đề xuất của một cá nhân nhà khoa học hay “thiểu số” nhà khoa học nào đó, và cần có một tỷ lệ dự phòng đủ lớn để tạo linh hoạt cho các cơ quan Liên Hiệp Hội ở Trung ương và địa phương, hay các Hội thành viên có thể tự tổ chức công tác nghiên cứu, tập hợp đội ngũ liên ngành tham gia đáp ứng các yêu cầu đã và sẽ nẩy sinh trong thực tiễn, thậm chí tạo ra các “phản phương án” để tìm được các giải pháp hợp lý hơn.

Từ đó, cũng có thể là cách thức để tạo thêm các nguồn vốn mới, tạo điều kiện đóng góp của khoa học công nghệ theo các đơn hàng của doanh nghiệp, của các ngành, địa phương và Chính Phủ, nhất là các cơ chế đầu tư mồi cho các dự án đầu tư “mạo hiểm” tương xứng với bản chất sáng tạo và khó tiên lượng một cách chắc chắn từ trước. (Nếu mọi việc đã rõ, thì có lẽ không còn gì để sáng tạo khoa học và công nghệ).

Cơ chế mềm cũng sẽ cho phép đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, dù là thuộc khu vực quốc doanh hay ngoài quốc doanh, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể tham gia xây dựng đất nước, bao gồm cả nghiên cứu và triển khai, nhập thiết bị và dây chuyền công nghệ hiện đại, năng suất cao, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ và quản lý.

Như vậy, các cơ quan quản lý, không chỉ chú ý đến cơ chế về các hoạt động khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, mà là toàn bộ sự nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ nói chung, hay là chuyển từ kế hoạch hóa và quản lý khu vực khoa học công nghệ có dùng vốn nhà nước là chính sang cơ chế quản lý khoa học và công nghệ của toàn quốc gia, sử dụng nhiều nguồn vốn cho tương ứng với đóng góp của khoa học công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại (nhân tố TFP) cho sự nghiệp công nghệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ mang tính sáng tạo, có sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, của mọi người dân, hướng tới phát triển bền vững. Đó chính là cách thiết thực để thực hiện quá trình tái cấu trúc hệ thống kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng mới, theo chất lượng và hiệu quả, thích ứng với giai đoạn cạnh tranh gay gắt của toàn cầu hóa và kinh tế tri thức như Nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

Coi trọng người tài

Nhân tố con người là nhân tố quan trọng bậc nhất của phát triển. Với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học và công nghệ trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhân tố con người, cả đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, và người dân toàn xã hội phải được tham gia vào cơ chế đào tạo và đào tạo lại không ngừng (kể cả tài trợ đi nước ngoài hàng loạt để học tập và nghiên cứu). Nói cách khác, đó là một xã hội học tập không ngừng.

Trong quá trình này, cần đặc biệt phát hiện và coi trọng người tài (hay nhân tài) trong nước và ngoài nước, trong biến chế và ngoài biên chế, nhằm tạo ra những bứt phá không ngừng trong từng lĩnh vực nhỏ, cùng nhau tạo ra sự bứt phá vượt trội của đất nước Việt Nam, sau khi Việt Nam đã trở thành đất nước có thu nhập trung bình (thấp) MIG, hơn 1000$/người, từ năm 2009.

Không thành kiến với những trí thức “có vấn đề”, mà vấn đề là Nhà nước tạo điều kiện cho mọi công dân được cống hiến, nhất là những người trí thức khoa học và công nghệ. Xã hội cần có những trí thức khoa học công nghệ tài giỏi từ mọi nguồn được thu hút, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng, không ngừng cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc và dân tộc, nâng cao không ngừng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao không ngừng vị thế của dân tộc và đất nước Việt Nam trên thế giới.   

Mong được “biết, bàn, kiểm tra và cùng thụ hưởng”

 Thực hiện nghiêm túc các vấn đề về tỏ chức quản lý và lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ cả nước, để giới trí thức khoa học công nghệ có điều kiện đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước và dân tộc, kể cả trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, trí thức là người làm việc trong các cơ quan, tổ chức ngoài Nhà nước... (kinh nghiệm về “quản” hay “mở” INTERNET).

Cần sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến Luật về Hội, để tạo ra không khí ngày càng cởi mở hơn trong xã hội, không thành kiến với những người có ý kiến khác với số đông, thậm chí khác với các quyết định đã có, nhưng phải thực hiện việc bảo lưu ý kiến theo một quy trình văn minh, tạo ra sự đột phá mới trong khoa học và công nghệ, cũng như đã tạo ra đột phá trong kinh tế 10 năm nay sau Luật Doanh nghiệp.

Tạo điều kiện cho trí thức khoa học công nghệ được nghĩ và làm những điều pháp luật không cấm, chứ không nên chỉ quy định các điều các nhà khoa học được nghĩ và làm, do phạm vi các vấn đề mà khoa học và công nghệ là rất rộng và biến động, không thể dự kiến hết. Từ đó điều chỉnh dần, tạo ra không khí học thuật sáng tạo, cởi mở, nhưng không “tự do” tùy tiện, vô chính phủ, làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Người trí thức giỏi, trước hết phải là một công dân tốt.

Thực hiện nghiêm nghị quyết 42/NQ-TW của Bộ Chính trị về Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, hoàn thiện và sớm trình Quốc Hội ban hành Luật về Hội để không ngừng đa dạng hóa các hoạt động khoa học công nghệ của cả nước, có dùng hay không dùng ngân sách Nhà nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thì trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hơn bao giờ hết cần tạo điều kiện để từng người trí thức và toàn thể đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được toàn tâm toàn ý cống hiến sáng tạo cho sự nghiệp phát triển của đất nước và dân tộc"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét