Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Bản án trong lòng dân

(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3, TPHCM ngày 17.10 của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, một nội dung được cử tri đặt ra đầy bức xúc, đó là tham nhũng.

Có ý kiến cho rằng, tham nhũng còn đe dọa và nguy hiểm đối với đất nước hơn cả giặc ngoại xâm. Bởi vì từ xưa đến nay, giặc nào ta cũng thắng nhưng hiện nay giặc tham nhũng vẫn cứ ngang nhiên tồn tại trên đất nước này.


Chủ tịch Trương Tấn Sang chia sẻ với sự bức xúc của các cử tri. Ông cho rằng, dù rất đau lòng nhưng cũng phải thừa nhận tham nhũng rất nghiêm trọng. Ông dẫn chứng: “Việt Nam xây 1 km cầu đường phải đầu tư gấp đôi các nước khác. Trong đó, chắc chắn có yếu tố tham nhũng”.

Một cử tri phát biểu: “Chủ tịch Nước từng nói đừng để có lỗi với tiền nhân, nhưng không phải là có lỗi, mà là có tội với tiền nhân”. Có rất nhiều ý kiến phê phán mạnh mẽ tệ nạn tham nhũng và mong muốn Đảng, Nhà nước phải dẹp cho bằng được thì mới yên lòng dân, giữ được nước. Người dân lên án tham nhũng như vậy chứng tỏ lòng dân chưa thật sự tin vào hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.

Ai cũng biết tham nhũng không chỉ là tiền bạc, của cải quốc gia bị rơi vào túi quan tham, mà còn có những thiệt hại khác đổ xuống đầu người dân. Ngân sách quốc gia bị cạn kiệt thì lấy tiền đâu để xây trường học, bệnh viện, lấy tiền đâu để xây dựng đường xá, công trình phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu dân sinh.

Mới đây, Bộ Tài chính thông báo có khả năng sẽ không tăng lương theo lộ trình năm 2013 vì không đủ nguồn vốn bố trí. Vậy là người lao động nghèo làm công ăn lương lại khó khăn hơn. Đó không phải là hậu quả của tham nhũng hay sao?

Tham nhũng còn đáng sợ hơn nữa, bởi vì nó phá hoại giềng mối đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của dân chúng vào chính quyền.

Chủ tịch Trương Tấn Sang kêu gọi dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng: “Chúng tôi có 14 đồng chí trong Bộ Chính trị là có 28 con mắt, nhưng toàn dân có gần 90 triệu người, tức là có gần 180 triệu con mắt thì người dân thông minh hơn nhiều và có thể nhìn thấy mọi điều, mọi nơi, mọi chỗ”.
 
Đúng vậy, nhân dân thông minh và công minh. Cho dù chưa có nhiều quan tham bị lôi ra ánh sáng nhưng dân biết rõ ai liêm chính, ai thoái hóa. Làm sao qua được trí tuệ của nhân dân, làm sao đánh lừa được niềm tin của nhân dân.

Từ xưa, dân nước mình đã có tập quán lập đền thờ để thờ cúng những văn quan, võ tướng tài đức, biết yêu dân, thương nước. Ngược lại, những quan tham lam vô đức vô năng thì không có chỗ trong lòng dân.

Bản án của tòa án còn có hạn định nhưng bản án trong lòng dân thì muôn đời lưu truyền, phải không các bạn?

Lê Chân Nhân

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Nay phải dứt khoát trả nợ với dân

(Dân trí) - Đó là lời bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyên Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội. Bà Thu nói nguyên văn: “Đó là món nợ với dân suốt 11 năm qua chưa trả. Quốc hội trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn còn nợ lại thì nay phải dứt khoát trả nợ với dân”.

(Minh họa: Hồng Anh)
(Minh họa: Hồng Anh)
 
 
Theo dự kiến, ngày 22/10 sắp tới, Quốc hội sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 4. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Việc làm, dự án Luật Thủ đô; Luật Đầu tư công; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực… Đặc biệt, Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Nếu như dự thảo trên được thông qua tại kỳ họp tới thì đây được coi là Quốc hội đã trả món nợ dai dẳng suốt 11 năm, qua ba nhiệm kỳ Quốc hội với cử tri của mình.

Xin được nhớ lại, cách đây 11 năm, ngày 25/12/2001, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X đã ban hành Luật Tổ chức Quốc hội. Trong đó, Điều 12 qui định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...”
Ngày 7/1/2002, Chủ tịch Nước Trẩn Đức Lương đã ký Lệnh công bố Luật này. Thế nhưng từ thời điểm đó đến nay, sau rất nhiều lần bàn thảo, Điều 12 của Luật Tổ chức Quốc hội vẫn chưa đi vào cuộc sống. Nói gì thì nói, một chủ trương, một chính sách hay một điều luật sau ngần ấy thời gian mà không đi vào cuộc sống không thể nói là một thành công. 

Có lẽ chính vì vậy tại cuộc gặp gỡ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhấn mạnh: “Đó là món nợ với dân suốt 11 năm qua chưa trả. Quốc hội trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn còn nợ lại thì nay phải dứt khoát trả nợ với dân”. Cũng tại cuộc gặp gỡ trên, ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho rằng đáng lẽ việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm phải thực hiện từ lâu. “Giờ mới lấy ý kiến góp ý về việc này thì tôi thấy hơi muộn, nhưng dù sao muộn còn hơn không” - ông Năm nói.

Vì vậy mình tin rằng tại Kỳ hợp Quốc hội lần này, Điều 12 của một Luật do chính Quốc hội ban hành sẽ được thông qua bởi không thể thêm một lần nữa, Quốc hội lại lỗi hẹn với dân.

Bạn có mong muốn như mình không?
Bùi Hoàng Tám

Vì sao cụ Tổng khóc?

Tối 15 mình đang nhậu thì có tin nhắn của cu Vinh: ” Anh xem ti vi không, cụ Tổng đang bế mạc hội nghị, có 3 giây cụ nghẹn lại suýt khóc”. Với ai thì mình nói ngay đó là nước mắt cá sấu nhưng riêng cụ Tổng thì minh tin cụ khóc thật. Dù cụ Tổng là nhà lý luận rất chi là bôn sệt nhưng cụ có tấm lòng vì dân vì nước.  Biết cụ từ những năm 80, mình  bảo đảm đó là điều chắc chắn.

Vì sao cụ Tổng khóc?

Nhiều người bình luận ngược xuôi nhưng theo mình có hai ý như vầy: Một là, trả lời pv BBC, ông Lê Đăng Doanh cho rằng Trung ương Đảng không theo Bộ Chính trị, điều chưa từng xẩy ra ( Tại đây): “Việc Bộ Chính trị không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương là điều khiến mọi người ngạc nhiên. Đây là điều mà tôi thấy hiện nay chưa giải thích được, và chưa biết được rằng hệ quả sẽ như thế nào ?”. Mình nghĩ việc TW bác bỏ đề xuất của BCT cũng có thể là một dấu hiệu tốt, báo hiệu sinh hoạt dân chủ trong đảng. Nhưng mặt khác nó cho thấy quyền lực BCT đã xuống cấp. Cụ Tổng khóc vì cụ biết cụ chỉ nắm được 14 người, không thể nắm được 175. Đó là một thất bại đắng cay, không khóc mới là chuyện lạ.

Hai là, Thùy linh trong bài Ma sát ( Tại đây). “Hội nghị TW6 vừa qua đã bỏ lỡ mất một vận hội thu phục nhân tâm của đông đảo người dân khi họ nhất loạt ngưỡng vọng về sự thay đổi tốt đẹp. Không một thế lực thù địch nào có thể xúi người dân thả thuốc độc xuống dòng sông mà họ đang dùng. Chính quyền mong muốn ổn định chính trị bao nhiêu thì người dân cũng mong muốn ổn định đời sống bấy nhiêu, nhưng không thể là cách ‘ổn định’ bằng bạo lực và áp chế”. Đây là một nhận định cực kì chính xác. Cụ Tổng phất cao ngọn cờ chỉnh đốn cũng vì mục đích lấy lại niềm tin của dân, bởi vì nếu đánh mất niềm tin của dân tức là đánh mất Đảng, mất chế độ, điều mà một người yêu Đảng, yêu chế độ đến mụ mị như cụ Tổng không thể chấp nhận được.

Cơ hội ngàn vàng để lấy lại niềm tin của dân đã tuột khỏi tay cụ Tổng. Ngọn cờ chỉnh đốn cụ Tổng phất cao để bảo vệ chế độ xem chừng mất hết ý nghĩa lớn lao của nó. Bây giờ ngọn cờ ấy vẫn bay phấp phới, lại được ti vi của anh Trần Bình Mình, báo Nhân dân của anh Thuận Hữu ra sức làm cho nó phấp phới hơn, nhưng còn mấy ai tin cuộc chỉnh đốn sẽ thành công?

Vậy thì hà cờ gì một người  yêu đảng, yêu chế độ đến mụ mị như cụ Tổng lại không khóc?

Nguyễn Quang Lập

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Công viên nòng nọc và chủ nghĩa hình thức

Những người dân thủ đô không phải ai cũng có bằng tiến sĩ nhưng ai cũng biết ai là mới thực sự là “Nguyễn Phế Thải”

Tại kỳ họp HĐND TP chiều 10-12- 2010, phản ứng trước ý kiến của các đại biểu cho rằng chất lượng các công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không tốt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bức xúc: “Có công trình tốt, có công trình chưa tốt, có hạng mục tốt, hạng mục chưa tốt, song nếu đánh giá chất lượng công trình không tốt là không công bằng”. Ông còn nói thêm rằng: “Chỗ này sụt lún, mẻ vữa vài viên gạch mà đánh giá cả công trình chưa tốt là không khách quan. Chủ nghĩa hình thức giờ đã không còn”.
 
Ông Chủ tịch cáu cũng là phải, bởi mới 2 tháng sau Đại lễ mà đã nói đến chuyện “chất lượng” các công trình mà “hoa khánh thành còn chưa kịp héo”, kể cũng là “khiếm nhã”, hoặc “lo bò trắng răng”. Nhưng giờ đây, có lẽ Chủ tịch Thảo chắc sẽ nghĩ lại bởi sau 2 năm, nhiều “lún sụt”, nhiều “mẻ vữa” đến mức nó giống với biểu hiện của “chủ nghĩa thành tích” tại hầu hết các công trình gắn mác “1000 năm”.
 
Tại công trình “biểu tượng cho sự lãng phí” mang tên Bảo tàng Hà Nội sai phạm xảy ra trong công tác chọn nhà thầu, quản lý đầu tư dự án, lựa chọn vật liệu…Chính UBND TP đã có “lựa chọn không đúng” khi thay đổi chủ đầu tư nên gây ra nhiều vướng mắc trong triển khai xây dựng. Kết quả là đến khi dự án hoàn thành nhưng tổng dự toán công trình  vẫn chưa được phê duyệt. Nhưng, lớn hơn cả gần 7 tỷ đồng sai phạm, là việc 54.000 m2 và tòa nhà cao 30m với vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng này đang trở thành “căn nhà hoang khổng lồ nhất Thủ đô”. Hàng xóm của Bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, được xem là thiết kế đẹp nhất, hiện đại nhất thủ đô, xuống cấp ngay khi vừa hoàn thành. Và giờ, đá xanh ngả vàng; lún nứt khắp nơi, trở thành một thứ “công viên nước” dành cho bọ gậy tập bơi. Ngược ra sông Hồng, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, từng được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới chính thức tuyên bố và trao bằng công nhận lập kỷ lục là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới giờ đang thất thanh kêu cứu với “nứt toác, bong tróc, thậm chí có những bức tranh “tuột” hẳn khỏi triền đê. Thật đau khổ, con đường gốm sứ, con đường Guinness vừa “vô chủ”, vừa “hữu sinh vô dưỡng” đến nỗi nó trở thành, “con đường xú uế”.
 
Và nói đến “1000 năm”, không thể không nhắc đến đường 32, con đường mà cách đây 2 năm, vào sáng 11-9, chính Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đã đi thị sát và sau đó đưa ra tuyên bố: Phải hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất. Thưa ông Chủ tịch, đường 32 đáng lẽ phải hoàn thành vào dịp đại lễ, nhưng đến giờ, nó vẫn là “con đường đau khổ”.
 
Những người dân thủ đô không phải ai cũng có bằng tiến sĩ nhưng ai cũng biết ai là mới thực sự là “Nguyễn Phế Thải”. Không phải ai cũng là kiến trúc sư để lý luận về “Chủ nghĩa hình thức”. Nhưng việc không muốn nhìn vào thực tế, nhưng việc quá giang để đưa ra một tuyên bố chắc nịch về một mốc thời gian không xác định, và một đi không trở lại, bất kể sự thể, thì có lẽ khó có thể gọi khác đó là hình thức.

Theo Blog Đào Tuấn

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Bôxít Tân Rai: Mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD

SGTT.VN - Trong tháng 9.2012, viện CODE (thuộc liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã mời đoàn chuyên gia khai khoáng đi thị sát tình hình thi công và chuẩn bị vận hành của hai dự án alumin tại Lâm Đồng và Dăk Nông.
TS Nguyễn Thành Sơn. Ảnh: Chí Hiếu

Chuyến đi kết thúc, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Thành Sơn, thành viên của đoàn, giám đốc ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Những con số đáng báo động

Thưa ông, những gì nhìn thấy ở hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ mới đây có gì khác với những điều ông hình dung trước kia về chương trình alumin không?
Những điều quan trọng nhất thì chẳng có gì “khác” cả. “Bùn đỏ” – vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn được thải bằng công nghệ “ướt” rẻ tiền và nhiều rủi ro. Hồ bùn đỏ ban đầu cũng đã chiếm quá nhiều diện tích thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật”. Công nghệ Trung Quốc lạc hậu thì ngày càng rõ (phân xưởng khí hoá than sử dụng công nghệ của những năm 60 (thế kỷ 20 – PV) và phải dùng than cục tốt của Hòn Gai loại 4A). Nhà thầu Trung Quốc dây dưa, dự án chậm tiến độ cũng chẳng có gì là mới. Tổng mức đầu tư đã tăng lên (vốn “thử nghiệm” hai dự án đã gần 1,5 tỉ đôla Mỹ) cũng chẳng làm ai ngạc nhiên.

Qua chuyến khảo sát, ông thấy điều gì đã cản trở tiến độ dự án?
Nhà thầu nước ngoài chưa chịu bàn giao phần việc của mình chỉ là lý do chậm tiến độ. Khâu “tắc” nhất của dự án Tân Rai bây giờ là phần việc mà chủ đầu tư đảm trách – khâu tuyển bôxít sau khi khai thác, trước khi đưa vào luyện thành alumin. Việc đơn giản, dễ làm nhất là thiết kế dây chuyền tuyển bôxít. Công việc này được ưu tiên chỉ định cho “nội lực” là viện Khoa học công nghệ mỏ của Vinacomin triển khai. Bãi thải quặng đuôi – một hạng mục lẽ ra chẳng có gì đáng bàn, nhưng được các “nhà khoa học” của viện Khoa học công nghệ mỏ thiết kế còn rủi ro hơn bãi thải bùn đỏ của nhà thầu Trung Quốc. Nước thải đầu ra của xưởng tuyển được thải trực tiếp vào nguồn nước đầu vào (đầu ra của bể “phốt” chính là bể nước ăn), v.v. Tổng đầu tư cho xưởng tuyển bôxít này khoảng 300 tỉ đồng, việc xây lắp đã hoàn tất từ lâu, nhưng tư vấn thiết kế vẫn đang tiếp tục “nghiên cứu thí nghiệm” để “hiệu chỉnh thiết kế” ở Hà Nội… Vinacomin cần làm rõ trách nhiệm nội bộ trước khi đổ lỗi cho người ngoài.

Tại thời điểm này, bài toán kinh tế về tổng thể của các dự án alumin Việt Nam có thể nhẩm tính ra kết quả lỗ lãi thế nào, thưa ông ?
Dự án Nhân Cơ chưa xong, chưa có cơ sở để tính toán. Dự án Tân Rai đã gần như hoàn tất, nhưng chậm tiến độ gần hai năm, có thể “nhẩm” được bài toán đơn giản nhất như thế này: chậm tiến độ một năm, riêng lãi suất huy động vốn trong quá trình xây dựng (IDC) đã làm tăng tổng mức đầu tư thêm gần 1.100 tỉ đồng.
Khi đi vào hoạt động, giả sử trường hợp lý tưởng: tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh của Tân Rai chỉ dừng lại ở mức 15.600 tỉ đồng, lãi suất huy động vốn tạm tính 7%/năm, thời gian huy động vốn là mười năm, trả vào cuối kỳ, riêng chi phí hoàn trả vốn đầu tư (cả gốc và lãi) đã lên tới 2.220 tỉ đồng/năm.
Nếu đạt 100% công suất thiết kế (0,6 triệu tấn/năm), mỗi năm nhà máy sẽ phải tiêu dùng khoảng: 1,2 triệu tấn bôxít qua tuyển (khai thác tại chỗ); 0,4 triệu tấn than cám (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 1,6 triệu đồng/tấn); 0,2 triệu tấn than cục (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 4 triệu đồng/tấn); khoảng 0,1 triệu tấn hoá chất và đá vôi (vận chuyển ngược từ xa tới), v.v. Nếu tính “vo”, tổng chi phí vận hành khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. Như vậy, giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai thấp nhất cũng khoảng 375 USD/tấn.
Tôi đã tham khảo giá nhôm trên thế giới và có nhận định: nếu giá nhôm kim loại trên thế giới năm 2013 sẽ đạt mức 2.300 USD/tấn, thì giá xuất khẩu alumin của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng 345 USD/tấn. Như vậy, nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc – dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo quy định là 20%, thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD, Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm. Trong trường hợp “thuận buồm xuôi gió” nhất (được miễn cả thuế xuất khẩu – và ngân sách tạm thời chưa nộp ngân sách), mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất 55 USD, và mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD.

Tây Nguyên, “vốn để dành”

Theo ông, quyết tâm làm alumin theo cách hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả gì đối với Tây Nguyên và cả nước?
Đối với Tây Nguyên và cả nước, còn cần phải tính đến vấn đề sinh thái. Hậu quả về sinh thái nguy hiểm hơn nhiều, nhưng bây giờ chưa thể hiện. Còn đối với Vinacomin, nếu cứ quyết tâm làm thử nghiệm đến cùng thì bôxít sẽ gặp phải những thiệt hại kinh tế. Khoảng 99,36% lợi nhuận thu được để Vinacomin đầu tư vào các dự án kinh doanh đa ngành (trong đó có các dự án bôxít – alumin) có nguồn gốc từ ngành than. Nếu ngành than bị mất vốn đã đầu tư vào bôxít, và trong tương lai vẫn phải tiếp tục “gánh” lỗ cho bôxít (74,4 triệu USD/năm như phân tích ở trên), thì bôxít còn ảnh hưởng lan toả đối với cả nền kinh tế.

Cảm tưởng của ông sau chuyến đi?
Ngày 1.11.2012 nhà máy chạy thử
Chiều 5.10, làm việc về dự án bôxít Tân Rai (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang yêu cầu tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và ban quản lý dự án bôxít Tân Rai chốt mốc cuối cùng chạy thử nhà máy alumin vào ngày 1.11. Mốc thời gian vận hành nhà máy được ban quản lý dự án công bố, liên tục dời nhiều lần, từ tháng 4, tháng 6, tháng 10.2012.
Buồn nhiều hơn vui. Buồn vì những cảnh báo của các nhà khoa học cách đây 3 – 4 năm đang dần trở thành đúng. Bởi, sau khi Vinacomin quyết tâm làm, đẩy tổng vốn thử nghiệm của cả hai dự án lên tới 1,5 tỉ đôla Mỹ thì trong thâm tâm, tôi cũng phải cầu mong cho việc thử nghiệm thành công. Rất tiếc, việc triển khai dự án đến nay đã cho thấy rõ kết quả như dự báo ban đầu là: chậm tiến độ một cách toàn diện, vốn đầu tư tăng toàn diện… Cả hai dự án thử nghiệm đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Kể cả bây giờ, tôi vẫn muốn khuyên Vinacomin hai điều: thứ nhất, dũng cảm xin Chính phủ cho dừng dự án Nhân Cơ, chờ thử nghiệm Tân Rai “trót lọt”, nếu có hiệu quả hãy triển khai tiếp Nhân Cơ; và thứ hai, hãy tập trung nguồn lực (vốn, thời gian, cán bộ…) để phát triển ngành than ở Quảng Ninh. Trong tình cảnh của Vinacomin bây giờ, tiết kiệm được 1 đồng, giảm tổn thất được 1 đồng cũng quý (dừng Nhân Cơ cũng tiết kiệm được vài trăm triệu đôla Mỹ). Còn trong tình cảnh chung của đất nước: không có alumin thì Tây Nguyên vẫn phát triển được, còn thiếu than thì cả nền kinh tế sẽ gay go.

Ông có suy tư gì sau chuyến đi vừa qua?
Chúng tôi đã “rong ruổi” ba ngày từ Buôn Ma Thuột, ghé Nhân Cơ, thăm Tân Rai rồi xuống Kê Gà (Bình Thuận). Chúng tôi quan sát, đánh giá và gặp gỡ những người có trách nhiệm. Điều có thể nhận thấy là các dự án bôxít sẽ triệt tiêu rất nhanh và rất mạnh các nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước, và tài nguyên sinh học của Tây Nguyên. Trước hay sau, sớm hay muộn chúng ta cũng phải “loại bôxít ra khỏi tiềm năng kinh tế của Tây Nguyên”, như tôi đã đề nghị cách đây 23 năm trong bài viết trên tạp chí Năng Lượng (số 11/1989).
Về mặt chiến lược phát triển đất nước lâu dài, tài nguyên thiên nhiên (đất, nước và sinh học) của Tây Nguyên quý hơn vạn lần tài nguyên khoáng sản (bôxít). Nếu được quy hoạch và tổ chức tốt, Tây Nguyên có đủ nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên để phát triển một cách bền vững.
Hoàng Nguyên (thực hiện)

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Làm dân khó lắm, phải đâu chuyện đùa

Hình như làm dân càng ngày càng khó. Chuyện này đúng ra phải thuê một vài nhà khoa học nghiên cứu cho đến nơi đến chốn, chứ không thể phán bừa được.
Vừa rồi được nghe một vài vị cán bộ phàn nàn về dân nhiều quá, tức khắc ai cũng có cảm giác gờn gợn, nên chỉ dám dùng chữ “hình như”. Mà hình như là khó thật.




Có vị chê dân trí thấp nên phải nuôi mấy ngân hàng xấu, có vị khác thì bảo dân trí thấp nên mới… hổng chịu làm đường sắt cao tốc như ông nghị ở Hà Nam, lại có vị bảo dân phải hy sinh cho thủy điện. Thực tình dân cũng không biết phải làm gì ngoài đóng thuế để các vị quản lý và giải quyết các loại sự vụ xảy ra trong cái xã hội nhiều rắc rối rất nhức đầu này. Thậm chí dân Quảng Nam ngày đêm lo lắng tưởng như chết đến nơi, có vị tiến sĩ còn bảo, đại khái là, mới có động đất một tí mà đã nháo nhác hết cả lên.
Ngày xưa dân mình làm gì có thủy điện. Đến thời Pháp thuộc chúng ta mới có vài cái thủy điện nhỏ. Ngày trước vì không có thủy điện, nên chẳng có cái gọi là động đất kích thích, nứt đập sông đập suối này nọ. Đâm ra chẳng có cán bộ nào mắng dân là mới có thế đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy. Cũng vì thế mà chẳng có cán bộ nào bảo dân phải “chia sẻ và hy sinh” cho cái thủy điện không biết vỡ đập lúc nào. Dân Quảng Nam hồi đó, về cơ bản là không bị mắng, cũng không có thiệt hại gì vì một cái thủy điện.
Đầu năm, ông nghị Hoàng Hữu Phước phát biểu: “Chưa cần luật biểu tình, vì dân trí ta còn thấp”. Cuối năm, ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lại cho rằng: “Do dân trí thấp, nên Nhà nước phải nuôi báo cô mấy ngân hàng xấu”. Ngày xưa dân mình cũng chẳng mấy khi đến ngân hàng. Mãi năm 1951 mới có Ngân hàng Nhà nước. Vậy nên không thấy có bằng chứng lịch sử nào ghi lại lời một quan chức ngân hàng chê dân trí thấp nên Nhà nước phải nuôi báo cô mấy ngân hàng làm ăn thua lỗ. Chưa hết, trên lĩnh vực văn hóa, trước tình trạng chân dài váy ngắn hở hang biểu diễn, ông cục trưởng quản lý biểu diễn lên TV tuyên bố “nói chung là dân trí chúng ta còn thấp…” đến nỗi một nhà văn hóa chịu hết thấu phải lên tiếng: Việc quản lý của ông ấy thấp nên mới để xảy ra tình trạng âm nhạc như thế. Nhờ sống chung với cái dân trí thấp nên nay ông cục trưởng đã… thăng chức thứ trưởng (!).
Ngày xưa, 95% dân số Việt Nam mù chữ. Cán bộ Việt Minh, đảng viên đi vận động từng người dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Không ai bảo dân trí thấp thì không làm được cách mạng. Tình trạng dân trí thấp được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó giải thích là hậu quả của chính sách ngu dân thời kỳ thực dân – phong kiến, “chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”, làm cùn mòn trí tuệ và nô dịch dân ta trong sự dốt nát.
Cách mạng thành công, chính quyền mới không ai chê dân dốt, mà thấy việc nâng cao dân trí là trách nhiệm của mình. Chính quyền cách mạng phát động phong trào diệt giặc dốt. Người người, nhà nhà tham dự các lớp “bình dân học vụ”, hoàn toàn miễn phí. Cán bộ dạy chữ cho dân, các ông bà giáo dạy chữ cho dân, động viên dân phải giết cái thằng giặc dốt đi thì cuộc sống mới khá được. Hồi đó dân trí thấp hơn bây giờ thật nhưng cán bộ không chê, nên làm dân vẫn dễ.
Thế rồi cán bộ được đi nước ngoài, được học hành đến nơi đến chốn, thậm chí trong khi dân ở nhà đang vắt kiệt nguồn lực để kháng chiến chống Mỹ thì họ được cử đi Liên Xô, Đông Âu học, nuôi dưỡng một thế hệ cán bộ cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Thế nhưng thành tài rồi lại có người trong số họ quay ra trách dân thế nọ thế kia, cứ như ô tô các vị đang đi, tiền lương các vị đang nhận, cái nhà công vụ các vị đang ở, thậm chí cả cái mảnh bằng thạc sĩ, tiến sĩ của các vị, không phải từ mồ hôi nước mắt của dân mà ra.
Đâm ra làm dân càng ngày càng khó. Có khi khó quá thế này, dân nên… từ chức đi!
Hữu Long
Theo PLTP