Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Luật sư Trần Đình Triển kiến nghị về vụ án Cù Huy Hà Vũ

Vụ án này đã có đầy đủ chứng cứ chứng minh việc vi phạm tố tụng của CQANĐT, như chưa có lệnh phê chuẩn của VKS ND tối cao về việc khám xét nhà ông Cù Huy Hà Vũ tại 24 Điện Biên Phủ, HN và TP. Hồ Chí Minh,…

Xúc phạm Quốc kỳ có thể ngồi tù

Ngày 29/7, VKSND Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) ra cáo trạng truy tố Nguyễn Vũ Anh (17 tuổi) về tội "xúc phạm Quốc kỳ".

Theo đó, Vũ Anh bị truy tố theo Điều 276 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.... hoặc phạt tù đến 3 năm.
Cơ quan công tố xác định, rạng sáng 21/5, sau khi uống rượu cùng nhóm bạn tại thị trấn Một Ngàn (huyện Châu Thành A), trên đường về nhà Vũ Anh nảy sinh ý định giật Quốc kỳ treo trước cửa nhà dân nhân dịp bầu cử Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Nghĩ là làm, Vũ Anh đã giật 4 lá cờ của nhà dân khiến một lá bị rách. Khi anh ta tiếp tục ra tay thì bị một người nhìn thấy, nhắc nhở: “Làm thế là vi phạm, sẽ bị tù đó”.
Nghe vậy, Vũ Anh đi xuống bờ kênh xáng Xà No vứt các lá cờ đã giật nhưng bị công an thị trấn bắt quả tang.
Điều 276 Bộ luật Hình sự: Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy
Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo VNExpress

Tại sao tôi ký kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ

NGUYỄN TRỌNG TẠO
Nhà thơ Huy Cận và Cù Huy Hà Vũ
 Chưa rõ Kiến nghị trả tự do cho CHHV với 2000 chữ ký của các tướng lĩnh, nhân sĩ, trí thức và những người dân quan tâm đến vụ án CHHV sẽ có tác động gì đến phiên xử phúc thẩm vào ngày 2/8/2011 hay không, nhưng đây là một luồng ý kiến không thể bỏ qua ở một đất nước mà luôn tuyên bố là chế độ bảo đảm Tự do – Dân chủ.
Tôi là người cũng đã ký tên vào bản kiến nghị này (số thứ 51), bởi tôi hiểu rõ vì sao tôi lại ký tên vào đó.
Sau khi danh sách được công bố trên trang BoxitVN, một cán bộ an ninh thân quen điện thoại hỏi tôi:
- Anh có ký tên vào Kiến nghị không?
- Có chứ.
- Ôi anh của em, anh ký vào đó làm gì?
- Anh muốn vụ án CHHV được minh bạch, đàng hoàng chứ không thể luộm thuộm như nó đã xảy ra.
- Vậy theo anh thì nó có gì khuất tất không?…
Chúng tôi đã trao đổi với nhau, và chú em của tôi vui vẻ nói:
- Vâng, em tôn trọng ý kiến của anh.
***
Ý kiến của tôi là:
1 là: Tại sao một vụ án “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” lại khởi đầu bằng 2 bao cao su đã sử dụng? Đây là một kịch bản vụng về, gậy dị nghị về cung cách “làm án” của lực lượng CA vốn rất nhiều thành tích chống tội phạm. Vậy mà không hề được giải thích cho toàn dân ta và thế giới biết.
2 là: Các ý kiến và khiếu kiện của CHHV là hoàn toàn công khai nhằm tác động đến Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cho dù những ý kiến đó có cái đúng, cái sai thì vẫn cần được tiếp thu, trao đổi, vì đây là ý kiến và khiếu kiện của một công dân đặc biệt – một công dân trí thức am hiểu luật pháp. Phải nói, CHHV có nhiều ý kiến sắc sảo giàu tính dự báo và gợi mở, đặc biệt là thư gửi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về vấn đề quan hệ Việt – Trung.
3 là: CHHV là con của một công thần, 2 nhà thơ nổi tiếng Huy Cận và (cha nuôi) Xuân Diệu, lại được tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước như Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, v.v… Đó không phải là lý do tiên quyết để bảo đảm cho thân nhân, nhưng đó là một điểm mạnh mà không phải ai cũng có trong việc tiếp thu truyền thống yêu nước và tri thức.
4 là: Vụ án xử sơ thẩm vội vàng và phức tạp đã gây ra sự bất tín về sự minh bạch và công bằng cho một vụ xử án, ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận trong nước và thế giới, đến nỗi GS Ngô Bảo Châu đã khái quát: “Không thể bảo vệ chế độ bằng sự sợ hãi”.
Vì vậy, việc xử phúc thẩm vụ án CHHV phải làm rõ công tội để mọi người dân có thể “đồng thuận” được.
Mục đích chính của bản kiến nghị là đề nghị “trả tự do cho công dân CHHV”, điều đó không có gì đi ngược với chân lý và sự phát triến dân chủ trong xã hội Việt Nam.
***
Nhà thơ Bằng Việt
Trước đây mấy ngày, sau khi dự lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nhà văn Sơn Tùng, tôi và Nhà thơ Bằng Việt ngồi uống bia với nhau. Câu chuyện thế nào lại dẫn đến vụ Cù Huy Hà Vũ và “cú đạp lịch sử” của một cán bộ an ninh đạp vào mặt người dân biểu tình vừa qua. Cũng xin nói thêm, Nhà thơ Bằng Việt từng học luật ở Liên Xô (cũ), nguyên thành ủy viên kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và hiện đang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liện hiệp VHNT Hà Nội, ông là một người hiền lành và chín chắn, một trí thức tiêu biểu từng được chọn tham gia đoàn trí thức chúc mừng đại hội Đảng vừa rồi. Tôi phải kể ra dài dòng thế vì tôi khá bất ngờ về ý kiến của ông trước 2 sự kiện trên. Ông nói:
- Nếu không tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ thì đấy là một sự ngu xuẩn.
Tôi thấy ông dùng 2 từ “ngu xuẩn” hơi nặng, nhưng ông bảo:
- Ngu xuẩn, không thể dùng chữ nào khác – Và ông nói tiếp – Ngay cả việc tay CA đạp vào mặt người biểu tình, nếu lãnh đạo không xin lỗi dân thì cũng là ngu xuẩn.
Tôi im lặng nhìn vào vỏ chai bia trên bàn. Vẫn chỉ 2 chai Ken chưa hết. Thì ra không phải bia nói (vì bia lượng của ông không thấp như thế). Bằng Việt đã nói lên sự hiểu biết và ngẫm ngợi của mình.
Tôi tự hỏi, tại sao một nhà trí thức, một ông quan đương chức, một nhà thơ nổi tiếng như Bằng Việt lại phải nói lên tiếng nói lương tâm của chính mình như thế. Và tôi hiểu đó là Sự Thật.
Còn các ngài, các ngài nghĩ sao?…
Hà Nội, 30.7.2011

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Xét xử công khai vụ án Cù Huy Hà Vũ là khẳng định tính chính danh của Nhà nước

Phiên tòa hình sự phúc thẩm vụ án “Cù Huy Hà Vũ tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” do Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử được thông báo ngày xét xử là 2/8/2011 tại Hà Nội.
Ở một đất nước mà Đảng là người độc quyền lãnh đạo Nhà nước như Việt Nam thì “vụ án Cù Huy Hà Vũ” không thể nói rằng đây không phải là ý chí chỉ đạo của Đảng và cũng không thể nói rằng Đảng không chịu trách nhiệm về kết quả của vụ án này.
Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” và tất nhiên suy ra Nhà nước cũng như vậy tức: “Một Nhà nước mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Nhà nước hỏng”.
Tất cả các chứng cứ của “vụ án Cù Huy Hà Vũ” là mười (10) bài viết, trả lời phỏng vấn trong đó có tám (08) bài đã được phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức nên có thể khẳng định 08 bài viết, trả lời phỏng vấn này nội dung không có gì gọi là bí mật quốc gia hoặc nếu có thì cũng không còn gì là bí mật nữa mà phải giữ. Trong tám (08) thì có một (01) bài là của tác giả Nguyễn Thanh Ty, không liên quan đến trách nhiệm của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Nếu có chăng là còn hai (02) bài viết là bài “Dự án đường sắt cao tốc là một dự án tham nhũng” và bài “Bàn về Đảng cầm quyền”. Đây là hai (02) bài viết do tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ làm ra còn lưu trong máy tính ở nhà riêng nhưng chưa phổ biến, lưu hành và nó chỉ được phổ biến bởi chính các cơ quan tiến hành tố tụng sau khi khởi tố vụ án. Như vậy, mười bài (10) viết, trả lời phỏng vấn đó Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội sử dụng làm chứng cứ trong vụ án đã không còn gì là bí mật đối với người biết đọc hoặc biết nghe. Nếu vụ án không được xét xử công khai vẫn cần phải giữ bí mật thì chính là giữ bí mật về hành vi xét xử trái pháp luật của cơ quan xét xử và những người lãnh đạo chịu trách nhiệm về vụ án với nhân dân mà thôi.
Xét xử công khai là để cho người dân thông qua vụ án mà hiểu về pháp luật, và thực hiện quyền giám sát theo pháp luật của mình đối với các hành vi của cán bộ và cơ quan Nhà nước khi thực thi luật pháp. Xét xử công khai không phải là tuyên bố một đằng làm một nẻo. Xét xử công khai không phải là như phiên xét xử sơ thẩm ngày 04/4/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, sử dụng thủ đoạn để cấm, cản tính công khai.
Trong phòng xét xử thì không cho báo chí, truyền thông được tự do tác nghiệp, Hội đồng xét xử trắng trợn vi phạm tố tụng hình sự, không xuất trình chứng cứ, ngăn cản quyền bào chữa của luật sư, quyền trình bày của bị cáo, không triệu tập người bị hại, không triệu tập người làm chứng…
Ngoài phòng xét xử thì sử dụng các lực lượng chìm, nổi, các công cụ, phương tiện vũ trang đủ loại, chó nghiệp vụ… để đối phó, ngăn cản, theo dõi, rình rập, lăng mạ rồi bắt bớ, đánh đập, giam giữ… những người đến tham dự phiên tòa.
Phiên tòa phúc thẩm 2/8/2011, Nhà nước hãy xét xử công khai một cách thành thật theo đúng pháp luật, thực hiện tinh thần cải cách tư pháp như Nghị quyết 49/NQ-TWcủa Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020 tạo điều kiện cho người dân được trực tiếp tham dự phiên tòa.
Nhà nước này là của nhân dân, nó được xây dựng lên bởi xương, máu của nhân dân nó phải phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Quyền tham dự phiên tòa công khai là đòi hòi chính đáng của nhân dân.
Xét xử công khai vụ án Cù Huy Hà Vũ là khẳng định tính chính danh của Nhà nước.
Hà Nội, ngày 29/7/2011
Luật sư Hà Huy Sơn
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Quốc hội Khoá XIII trước những lời hứa và chờ đợi

TTCT - Người dân cả nước đang chờ đợi “đội hình đẹp” của Quốc hội cùng các tân đại biểu sớm có những hành động cụ thể để hiện thực hóa những lời hứa của họ. Bởi một nhiệm kỳ mới đã thật sự bắt đầu trong một bối cảnh đầy thách thức...
Quốc hội khóa mới đã chính thức vào cuộc. Chủ tịch Quốc hội mới, Chủ tịch nước mới, Thủ tướng đã phát biểu nhậm chức trước Quốc hội và nhân dân cả nước. Một nhiệm kỳ mới của Quốc hội đã bắt đầu với những công việc, nhiệm vụ khó khăn, nặng nề trong một bối cảnh đầy thách thức cả trong nước và trên trường quốc tế.
Trong khi đó, khoảng hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là những người mới, dù đã trải nghiệm công tác trên nhiều vị trí khác nhau, vẫn không khỏi cảm thấy mới lạ trong một môi trường hoạt động đặc thù như Quốc hội.
Thế nhưng khi đã gánh trách nhiệm dân cử, hoạt động của Quốc hội và yêu cầu từ cử tri buộc đại biểu phải nhanh chóng thích nghi, nhập cuộc. Như một nữ ĐBQH trẻ khóa XII nhớ lại và chia sẻ về những ngày đầu ở Quốc hội: “Trong không khí trang nghiêm và đầy trách nhiệm ở nghị trường, tôi nhận ra rằng thời gian của một nhiệm kỳ Quốc hội không đủ dài cho một sự chậm nhịp nào”.
Một cựu ĐBQH nhiều khóa khác cho biết ĐBQH, đặc biệt là đại biểu chuyên trách, trong cả kỳ họp nếu không có ý kiến đáng chú ý nào về những vấn đề của đất nước, của địa phương thì “ăn không ngon, ngủ không yên” vì áp lực từ phía cử tri đòi hỏi phải lên tiếng.
Những lời hứa
Nhất là đối chiếu với chương trình hành động khi đi vận động bầu cử, cử tri càng mong chờ những hành động cụ thể từ ĐBQH. Hai tháng mới đây thôi, 500 ĐBQH hôm nay đều hứa sẽ hành động vì lợi ích chung của cử tri, của nhân dân, đất nước. Chẳng hạn, ứng cử viên ĐBQH Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “sẽ làm hết sức mình để cùng tập thể tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, gần gũi với cử tri, đắm mình trong đời sống của nhân dân, nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.
Ứng cử viên ĐBQH Nguyễn Tấn Dũng cam kết “sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành trọng trách, làm tròn trách nhiệm của một ĐBQH, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội với tinh thần tất cả vì lợi ích chính đáng của nhân dân, của đất nước”. Đây không phải là lời của Tổng bí thư hay Thủ tướng, mà là lời hứa của những ứng cử viên nay đã trở thành ĐBQH và là những người lãnh đạo cao nhất của đất nước trước các cử tri khu vực bầu cử và cử tri cả nước.
Dù thể hiện khác nhau nhưng trong chương trình hành động của mình, các ĐBQH khóa XIII đều hứa như vậy. Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phát biểu nhậm chức đã hứa “gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thật sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.
Phát biểu nhậm chức của tân Chủ tịch Quốc hội và các chương trình hành động chính là cam kết của Quốc hội khóa XIII, của từng ĐBQH khóa mới với cử tri, mục tiêu hành động xuyên suốt trong nhiệm kỳ của Quốc hội và mỗi ĐBQH. Trước những cam kết này, cử tri muốn được thấy việc làm của đại biểu để kiểm nghiệm.
Cử tri có thể quên, nhưng đại biểu không được quên mình đã hứa những gì. Làm sao để cuối cùng cử tri thấy đại biểu nói đi đôi với làm, và như một ĐBQH cho biết “làm còn nặng hơn nói rất nhiều”. Khi đã coi nhiệm vụ đại biểu làm hoạt động chính, mỗi ĐBQH sẽ phải dám nói và biết cách nói lên nguyện vọng của người dân, giám sát hoạt động của Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác theo những gì đã cam kết trước Quốc hội, trước nhân dân.
Cử tri đang chờ đợi
Cử tri sẽ quan sát xem ĐBQH sẽ ứng xử thế nào trước một vấn đề của quốc gia, của dân tộc. Ngay trong kỳ họp đầu tiên này, cử tri đã theo dõi, đánh giá xem ĐBQH đó có thực hiện chương trình hành động của mình hay không, có biến chương trình thành hành động cụ thể hay không.
Chắc chắn trong khi biển Đông cuộn sóng, cử tri không muốn sự tĩnh lặng trong nghị trường. ĐBQH - tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài phát biểu nhậm chức đã khẳng định sẽ thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, giữ vững chủ quyền biển đảo, vùng chủ quyền kinh tế của đất nước bằng các biện pháp đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Hi vọng cả tập thể Quốc hội và các ĐBQH sẽ có tiếng nói thích đáng trên diễn đàn Quốc hội về vấn đề này. Và trong khi tình hình kinh tế - xã hội có nhiều vấn đề “nóng” đặt ra như giá cả tăng nhanh, lạm phát chưa chịu lùi, đình công của công nhân..., cử tri trông đợi các ĐBQH lên tiếng. Và cử tri cũng trông đợi những thông điệp rõ ràng của Chính phủ về những vấn đề này và nhiều vấn đề khác.
Trong cả nhiệm kỳ năm năm, hành động hiệu quả nhất của ĐBQH không có gì khác ngoài phát biểu và bấm nút biểu quyết, đưa những vấn đề của cuộc sống vào nghị trường, bàn thảo, quyết định các chính sách tương ứng với các vấn đề đó và giám sát việc thực thi các chính sách do Quốc hội quyết định.
ĐBQH sẽ phải luôn luôn chủ động tính đến những hệ quả cho từng lần phát biểu, biểu quyết của mình. Hành động của ĐBQH cũng thể hiện ở những việc cụ thể như theo đuổi việc giải quyết các vấn đề; biết yêu cầu cung cấp thông tin rõ ràng hơn về các vấn đề đưa ra bàn và quyết tại kỳ họp; biết kiến nghị đưa vấn đề này, vấn đề kia vào chương trình; kiến nghị thay đổi những nội dung chưa hợp lý, chưa sát...
Cử tri sẽ hài lòng khi thấy người đại biểu đã làm hết mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri, của đất nước. Trong cả nhiệm kỳ tới, chắc chắn cử tri sẽ hỏi: trong kỳ họp vừa rồi, ông/bà đã phát biểu được bao nhiêu lần ở hội trường, bao nhiêu lần ở tổ? Ông/bà đặt ra những vấn đề gì, quan điểm của ông/bà như thế nào và so sánh với những lời hứa thì ông/bà đã làm được gì?...
Trước những câu hỏi như vậy, để có thể thanh thản trả lời, chỉ cần các ĐBQH ghi nhớ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng”.
Lúc đó, “đội hình đẹp” của Quốc hội sẽ thật sự đẹp hơn với những kết quả, thành quả đẹp cho nước, cho dân. Những thành quả đến từ những hành động thiết thực, cụ thể, thực hiện chương trình đã hứa.

NGUYÊN LÂM

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Sự sòng phẳng với lịch sử


"Trả lại tên cho anh"
Ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ (27.7) năm nay, có hai sự kiện đặc biệt, nhưng vô tình có liên quan đến nhau.
Thứ nhất, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị các Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 5, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông có những dấu hiệu leo thang, chủ yếu xuất phát từ quốc gia có liên quan đến Biển Đông bên ngoài ASEAN.
Nhiều ý tưởng, sáng kiến đã được đưa ra, để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hải quân ASEAN, như mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực, phối hợp triển khai chung, tuần tra chung, chia sẻ thông tin, kể cả thông tin tình báo, thiết lập đường dây nóng...
Thứ hai, sau 23 năm, kể  từ trận hải chiến đẫm máu giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc, khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm một số đảo quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những chiến sĩ tham gia, đặc biệt là các liệt sĩ và thương binh, đã chính thức được vinh danh trên truyền thông đại chúng của Việt Nam
Các bài báo, hay loạt bài báo, đã kể lại những câu chuyện cụ thể về việc họ đã chiến đấu kiên cường, đã anh dũng ngã xuống như thế nào, hay gan dạ chịu đựng cảnh tù đày thế nào. Người viết thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.
9 chiến sĩ khi được Trung Quốc trao trả hàng trên: Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống, Trần Thiện Phụng, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Tiến Hùng; hàng dưới: Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa, Mai Văn Hải, Dương Văn Dũng cùng vợ anh Trần Thiện Phụng và cán bộ dân phòng.
Điều người viết muốn nhấn mạnh ở đây là sự xuất hiện đúng lúc của những bài báo này. Không chỉ thuần tuý là sự vinh danh cần thiết, tuy khá muộn màng, cho những người con đã không tiếc sinh mạng mình, quyết bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc. Tấm gương của họ, hơn nữa, đã gợi lại truyền thống anh dũng của những người Việt Nam vốn yêu chuộng hoà bình, nhưng dứt khoát không chịu khuất phục những kẻ có dã tâm cướp đất, cướp nước của họ.
Tuy nhiên, bên trong sự vinh danh khá ồn ã này, cũng như những hành động đền ơn đáp nghĩa được ca ngợi trên truyền hình, đâu đó dường như vẫn có những tiếng thở dài xen lẫn vào.
Đó là câu hỏi của một người lính hải quân tên Hải ở Quảng Bình, người đã bị thương ở Trường Sa năm 1988, bị bắt và chỉ được trao trả sau khi Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ, rằng liệu anh và các đồng đội bị thương có được hưởng các chính sách với thương binh, như nhà nước qui định hay không. Việc họ chỉ nhờ phóng viên hỏi hộ, sau hai thập kỷ im lặng, cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của những con người giàu lòng yêu nước và lòng tự trọng này khốn khó đến mức nào.
Đó là câu hỏi của anh hùng chống Mỹ và Khmer Đỏ Phan Văn Xệ, người mà trên cơ thể không có chỗ nào không bị thương, rằng liệu từ giờ đến khi chết mảnh đất mà anh được quân đội cấp có được chính quyền cấp sổ đỏ hay không. Điều đáng buồn hơn là câu hỏi này lại được đặt ra với một đoàn làm phim của Nhật Bản, chứ không phải phóng viên Việt Nam như trường hợp đầu tiên.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505
"Bản công hàm năm 1958" và sự sòng phẳng với lịch sử
Trong mục "Phát ngôn & Hành động" tuần trước, đồng nghiệp Kỳ Duyên  đã bình luận về bài viết "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam", do nhóm đồng nghiệp từ báo Đai Đoàn Kết thực hiện.
Chắc hẳn không phải là người theo dõi kỹ câu chuyện Biển Đông, nhưng, rõ  ràng, đồng nghiệp Kỳ Duyên đã khá tinh khi phát hiện rằng, khi nào Trung Quốc to mồm nhất, thì  đó là chỗ họ đuối lý nhất. Nói theo kiểu nhà văn Nguyễn Quang Lập, một người cũng ái mộ nữ ký giả Kỳ Duyên, là "chuẩn không cần chỉnh".
Nhưng đọc đi đọc lại bài viết này, người viết vẫn thấy có hai điểm cần bàn thêm.
Thứ nhất, đọc kỹ những cơ sở lập luận, cả về khía cạnh lịch sử, pháp lý lẫn lý luận, thì dường như có sự đóng góp khá quan trọng về tư liệu từ "kho lưu trữ" của Bộ Ngoại giao, thông qua các nhà nghiên cứu thuộc biên chế bộ này.
Thứ hai, cũng với suy luận  đó, tại sao cho đến thời điểm 20.7.2011, bài báo mới xuất hiện, thay vì sau khi báo chí Trung Quốc đưa tin về việc Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn hội đàm tháng trước với người đồng cấp phía Trung Quốc,,?
Những người theo dõi kỹ  câu chuyện hội nghị ngoại trưởng ASEAN, và các sự kiện đi cùng như hội nghị với các  đối tác và diễn đàn an ninh khu vực, có thể lý giải rằng phía Việt Nam đã có sự lo ngại rằng nếu không im lặng, biết đâu Trung Quốc lại không ký vào văn bản hướng dẫn việc triển khai DOC, sau 9 năm trì trệ?
Sự thận trọng có lẽ  không thừa. Bởi anh hàng xóm xấu chơi có thể lấy cớ nọ, cớ kia để "thoái thác trách nhiệm".
Tuy nhiên, những người khác có  thể đặt vấn đề: Nếu cứ ngại mãi như  thế, họ sẽ tiếp tục "bắp thóp"  mà ép điều nọ điều kia. Để rồi đến lúc những người ủng hộ lý lẽ của mình cũng đâm ra bán tín bán nghi về "lập trường" và "cơ sở pháp lý" của mình. Trong cuộc chiến thông tin để họ "thả gà" ra rồi mình "bắt lại" mệt lắm.
Mà Trung Quốc thì thạo cái nghề này lắm. Câu chuyện "Tăng Sâm giết người" trong Cổ học Tinh hoa là một ví  dụ tiêu biểu. Đến Gơ Ben cũng phải gọi bằng "cụ tổ".
Còn nhớ, trong hội nghị tuyên truyền về biển bảo đầu năm 2009, tại Đồ Sơn, nhà báo lão thành Phạm Khắc Lãm đã kể  rằng hồi ông còn là sinh viên học ở  Trung Quốc vào cuối những năm '50, một người bạn Trung Quốc đã nói với ông: "ĐIện Biên Phủ là chiến thắng của cố vấn Trung Quốc."
Khi ông Lãm hỏi tại sao lại nói vậy, người bạn này giải thích rằng anh ta được học như vậy ở phổ thông. Lý Thông đến thế là cùng!
Nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Danh Dy thì cho biết rằng báo chí Trung Quốc, nhất là các mạng, thường tuyên truyền rằng người Việt Nam "ăn cháo đá bát", "Trung Quốc giúp đỡ như vậy trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà vô ơn", thậm chí còn "xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc nữa".
Đúng như đồng nghiệp Kỳ Duyên nhận định tuần trước, đã đến lúc phải nhanh chóng minh bạch lịch sử.
Nhà sử học kiêm  đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cách đây 8 năm  đã từng nói với một ký giả Nhật Bản: "Lịch sử phải sòng phẳng. Đúng là Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, từ vũ khí đến nhu yếu phẩm. Thế nhưng, cũng nhờ có Việt Nam đánh Mỹ mà Mao Trạch Đông bắt tay được với Nixon, từ đó phá được thế bao vây cấm vận, và nhờ đó Trung Quốc mới hùng mạnh như ngày nay."
Hơn nữa, xét cho cùng, DOC cũng chỉ là những nguyên tắc xây dựng lòng tin trong ứng xử của các bên trên Biển Đông thôi, và văn bản hướng dẫn vẫn còn mập mờ lắm. Liệu có nên quá thận trọng mà đánh đổi một lòng tin "trên trời" với một anh hàng xóm "khả nghi" với lòng tin với nhau giữa các thành viên trong gia đình, tức là dân tộc này?
Hoàn toàn không nên, theo thiển nghĩ người viết. Thiếu gì cách "vẹn cả  đôi đường".
Thế mới là "quán triệt  đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh" !

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Phú Quang: 'Không bao giờ làm hồ sơ xin giải nữa'

Được bạn bè, gia đình động viên làm hồ sơ xin xét duyệt Giải thưởng Nhà nước nhưng bị loại - với Phú Quang đó không phải là chuyện rủi. Ngược lại, ông cảm thấy may vì không phải đứng chung sân với một người đạo nhạc.

Phú Quang không tin vào tính công minh của các giải thưởng. Ảnh: Pham Mi Ly
Phú Quang không tin vào tính công minh của các giải thưởng. Ảnh: Pham Mi Ly
Nhìn Phú Quang thấy ông khá hơn nhiều so với ngày bị đột quỵ. Da dẻ hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, cười nói rộn ràng. Ông bảo, lần đó đột quỵ do mới đặt ống stent để thông mạch máu hai tuần đã vào Sài Gòn chuẩn bị cho đêm nhạc, sau tra trên mạng mới biết, người đặt ống stent phải 6 tuần mới được đi máy bay. “Tôi đã từng chết hụt tới sáu lần, thêm một lần nữa cũng có đáng kể gì?” - Phú Quang cười to.
Rồi ông vui miệng đùa rằng, hiện khỏe quá nên khi biết tên bị loại khỏi Giải thưởng Nhà nước cũng không bị choáng. Tác giả Đâu phải bởi mùa thu cho biết, ông không tin vào những giải thưởng bởi việc xét giải chỉ là cảm tính. Chỉ vì nhiều người vận động quá nên ông mới quyết định làm hồ sơ gửi Hội nhạc sĩ xin xét duyệt. “Lần sau, không bao giờ có việc tôi làm hồ sơ xin giải nữa. Đây là lần lầm lỡ duy nhất và cuối cùng” - Phú Quang tuyên bố. Theo vị nhạc sĩ sinh năm 1949, việc ông bị loại chỉ là chuyện “bình thường ở huyện” nhưng trong cái rủi có cái may, vì nhờ sự bị loại ấy, ông không phải “đứng cạnh một người ăn cắp”. Phú Quang bức xúc trước việc, trong số những người được đề cử có tên nhạc sĩ Lê Lan - người có bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh nhưng giai điệu lấy từ ca khúc ca ngợi sư trưởng Sapaep (Liên Xô cũ).
“Tôi cho rằng hội đồng xét duyệt của Hội nhạc sĩ rất thiếu ý thức, một bài hát viết khi Hồ Chủ Tịch mất được ví như đồ cúng - tức là cần nhất sự linh thiêng, lòng thành, nhưng lại là đồ ăn cắp. Tôi nhớ hồi đó đại diện Liên Xô đã chất vấn: “Tại sao lấy bài hát của chúng tôi để ca ngợi lãnh tụ của anh?". Việc đưa một nhạc sĩ như vậy vào danh sách Giải thưởng Nhà nước là sự sỉ nhục dân tộc, điều đó với tôi lớn hơn nhiều so với việc mình bị gạt tên” - Phú Quang trần tình. Ông đánh giá, kiểu trao tặng cảm tính hiện nay rất nguy hiểm vì có tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ, tạo cho họ suy nghĩ, không cần cố gắng, không cần trung thực vẫn có thể được ghi nhận.
Bùi Công Duy - con rể Phú Quang bị loại khỏi danh sách xét tặng danh hiệu NSƯT. Ảnh: BCD.
Bùi Công Duy - con rể Phú Quang - bị loại khỏi danh sách xét tặng NSƯT
Xung quanh việc không tâm phục, khẩu phục với đề cử Giải thưởng Nhà nước, 11 nhạc sĩ gồm Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Đoàn Bổng, Lê Việt Hòa, Thế Song, Hoàng Hà, Văn Thành Nho, Trương Tuyết Mai, Phan Long, Triều Dâng và Trần Viết Bính đã đứng tên khiếu kiện nhưng Phú Quang thì không. Ông bảo: “Tôi không bao giờ kiện đầu gối mình. Giá trị thật mới là quan trọng. Tôi cũng trấn an những người trong gia đình, chẳng có việc gì mà bức xúc. Giải thưởng tiếng là của Nhà nước nhưng việc đánh giá chỉ là do một nhóm người. Nhìn vào danh sách ở tất cả hạng mục, thấy trong đó có mấy người xứng đáng?”. Con rể Phú Quang - tay violin Bùi Công Duy, có đến bốn giải nhất quốc tế, từng được mời làm giám khảo cuộc thi âm nhạc lớn của thế giới, nhưng cũng bị gạt khỏi danh sách xét NSƯT lần này. Theo Phú Quang, đây thêm một lần nữa cho thấy sự thiếu công bằng vì “xưa Ái Vân chỉ được giải thưởng của một tỉnh lẻ ở Đức về đã được phong NSND ngay”.
Phú Quang chia sẻ, ông không cần đến những sự vinh danh hão, chỉ cần nhân dân nghĩ thế nào về mình. Hàng năm, ông đều tổ chức hai liveshow, không có những bài hát mới, không có đột phá, giá vé cũng ở ngưỡng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu người hâm mộ. Đó là niềm an ủi lớn nhất của Phú Quang. Hiện ông dồn sức vào chương trình “Hà Nội ngày trở về” vào 8-9-10/9 tại Nhà hát Lớn. “Nó giống như một món đặc sản, chỉ gồm ba ca sĩ hát hay nhất nhạc của tôi và được làm rất cẩn thận. Tôi không muốn so sánh nó với bất cứ chương trình của nhạc sĩ nào, chỉ cố gắng 'đo ván' chính tôi mà thôi” - Phú Quang nheo nheo mắt cười.
Theo VNExpress

THƯ GỬI ÔNG NGUYỄN ĐỨC NHANH


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——*——
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2011


Kính gửi: Ông Nguyễn  Đức Nhanh
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

1.Chúng tôi những người tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông ghi nhận và hoan nghênh Công an thành phố Hà Nội (CATPHN) đã không sử dụng vũ lực đối với người tham gia biểu tình yêu nước trong buổi sáng Chủ nhật 24/7/2011 vừa qua.

2.Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn không tán thành việc một số nhân viên an ninh đã ngấm ngầm hoặc công khai gây phiền nhiễu sinh hoạt bình thường của một số công dân nhằm ngăn cản họ thực hiện quyền biểu tình được Hiến pháp quy định.

3. Chúng tôi cũng muốn nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra trong hai cuộc biểu tình tự phát gần đây đã bị CATPHN trấn áp, đặc biệt là cuộc biểu tình diễn ra sáng ngày 17/07/2011. Chúng tôi tiếp tục đề nghị ông Giám đốc CATPHN trả lời trước công luận về mấy nội dung sau:

a. Căn cứ theo quy định nào của Pháp luật, CATPHN đã bắt giữ người mà không có lệnh hợp pháp trong cuộc biểu tình ngày 17/07/2011 (ít nhất 46 người).

b. Bức ảnh bốn Công an “khiêng” một công dân trong cuộc biểu tình trên đã được nhiều hãng thông tấn Quốc tế truyền tin khắp thế giới. Công dân này bị “khiêng” đến một chiếc xe buýt và một nhân viên an ninh mặc thường phục trên xe buýt đã dùng chân đạp vào mặt, miệng công dân đó nhiều lần. Video Clip về cảnh này cũng được truyền khắp trên Internet.

Hiện nay, quần chúng nhân dân đã xác định được danh tính của nhân viên an ninh trong video clip nói trên là Minh, đội phó đội an ninh, công an quận Hoàn Kiếm.

Chúng tôi đề nghị Ông chỉ đạo xác minh thông tin trên, nếu đúng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, nếu sai thì công bố để không ảnh hưởng đến uy tín của CA TPHN. Nếu việc xác định của nhân dân là đúng thì anh Minh có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”(quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự). Hành vi của anh Minh thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này, cụ thể: anh Minh, 1) Là người có chức vụ, quyền hạn; 2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vũ lực trái công vụ, gây thiệt hại về thể chất và nhân phẩm cho nạn nhân, gây phẫn nộ trong nhân dân; 3) Phạm tội với lỗi cố ý, với động cơ coi thường pháp luật, coi thường nhân dân, chà đạp, cản trở việc thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Minh phạm tội với hai tình tiết tăng nặng quy định tại điểm d và điểm h khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự: Phạm tội có tính chất côn đồ và phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được.

Tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, cơ quan điều tra phải chủ động khởi tố vụ án, không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại. Sự tha thứ cao thượng của người bị hại (nếu có) đối với người phạm tội chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ không phải là lý do để cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.

Nếu Ông không giải quyết sớm văn thư này, chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để yêu cầu cấp cao hơn sẽ xử lý cá nhân anh Minh và những vị lãnh đạo khác có liên quan của Công an Quận Hoàn Kiếm và CA TPHN.

Kính chào Ông!

Những công dân Việt Nam tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông tại Hà Nội ký tên:
Nguyễn Huệ Chi
Phạm Duy Hiển
Nguyễn Nguyên Bình
Chu Hảo
Trần Nhương
Phạm Xuân Nguyên
Nguyễn Thị Hồng Ngát
Trần Kỳ Trung
Nguyễn Xuân Diện
Lê Dũng
Nguyễn Tiến Nam
Hoàng Cường
Đặng Bích Phượng

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

GIẤY MỜI NGUYỄN XUÂN DIỆN


Lúc 21h00 hôm qua 26.07.2011, Anh Hà, công an hộ khẩu ở khu dân cư đã đến nhà đề nghị tôi khai báo vào tờ giấy về hộ khẩu hộ tịch và chuyển cho tôi Giấy Mời sau:

Sáng nay, 27.07.2011, đúng 09h00 tôi đã đến trụ sở Công An Phường Kim Liên để làm việc với cơ quan điều tra.
Làm việc với tôi là các điều tra viên Ngô Văn Đáp (trung tá), Đàm Văn Khanh (trung tá) đều thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Tp Hà Nội (7 Thiền Quang, HN) và Lê Văn Hiến, Thiếu tá thuộc đội An ninh, Công an Quận Đống Đa. Họ và tên, quân hàm và chức danh là do các cán bộ nói với tôi. Anh em đều mặc thường phục, không xuất trình thẻ và các giấy tờ liên quan.
Trước khi vào làm việc, tôi đã nói rõ là tôi chỉ ký vào biên bản làm việc khi tôi được giữ 01 bản, và tôi đặt máy ghi âm lên bàn vì muốn ghi âm buổi làm việc. Điều tra viên Ngô Văn Đáp nói việc làm 02 bản sẽ bàn sau, còn việc ghi âm là không được. Tôi cất máy ghi âm (trước khi cất có đưa tận nơi để 03 cán bộ điều tra biết là máy đã được tắt hoàn toàn).
Ngoài việc hỏi về nhân thân: Họ tên, nơi làm việc, gia đình...cơ quan điều tra còn hỏi về việc tôi tham gia biểu tình chống TQ. Tôi nói tôi đã tham gia 07 cuộc biểu tình phản đối TQ trong tháng 6 và 7 vừa rồi và nếu sắp tới vẫn có, tôi vẫn tiếp tục tham gia. Riêng cuộc biểu tình ngày 10 tháng 07 thì tôi không tham gia nhưng có tới để quan sát (tuy nhiên không chứng kiến lúc bắt người lên xe buýt).
Cơ quan điều tra hỏi về cuộc biểu tình ngày 17 tháng 07 thì tôi nói có tham gia.
Hỏi có chứng kiến lúc khiêng người và lúc người biểu tình bị đạp vào mặt không thì tôi nói: Không chứng kiến nhưng tôi có xem ảnh, xem clip và hỏi chuyện trực tiếp anh Nguyễn Chí Đức trước khi ký vào Thư gửi GĐ Công an Hà Nội.
Tôi xác nhận việc ký vào văn thư đó do người khác chuyển, và là người cuối cùng ký tên, nên trực tiếp mang thư đó đi gửi (đề chữ trên phong bì, lấy biên nhận của bưu điện, và công bố trên NXD-Blog).
Cuộc làm việc kết thúc lúc 10h00 sáng nay, tổng cộng 60 phút. Tôi yêu cầu cơ quan điều tra sao biên bản làm việc thành 02 bản và tôi chỉ ký tên khi mình được giữ 01 bản. Cơ quan điều tra nói, họ có nguyên tắc không cung cấp cho người được hỏi. Tôi không ký vào văn bản. Và tôi làm thêm 01 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp biên bản làm việc, và chỉ khi ấy tôi và cán bộ điều tra mới ký tươi vào cả 02 văn bản biên bản làm việc. Các điều tra viên mang về báo cáo lãnh đạo cấp trên, nếu đồng ý thì họ mới mang 02 bản biên bản làm việc đến gặp tôi để lấy chữ ký vào cả 02 bản.
Điều tra viên Đàm Văn Khanh yêu cầu tôi đưa lại cho cơ quan điều tra Giấy Mời trên đây. Tôi nói tôi có quyền giữ nó.  Và đến nay, tôi vẫn giữ nó đây.
Tôi đã đến đúng giờ, ra về đúng lúc, trình bày sáng rõ đầy đủ mọi câu hỏi của cơ quan điều tra và ra về an toàn. Trang phu nhân chờ sẵn ở cửa đồn công an, rồi cả hai cùng về nhà ăn trưa.


Nguyễn Xuân Diện kính trình!


Báo Sự Thật là tiền thân của báo Nhân Dân

Báo “Sự thật” phát hành từ ngày 5-12-1945 với danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, nhưng thực chất báo “Sự thật” là tờ báo của Đảng. Báo in khổ nhỏ, cỡ 23 x 27. Thời kỳ đầu, báo “Sự thật” in ở Hà Nội, ra 2 số/tuần, số trang không ổn định từ 2 - 4 trang. Từ số 29 ra ngày 30-3-1946, tăng lên 12 trang và phát hành hàng tuần. Thời kỳ này Báo do Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm.
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc nổ ra, báo đã di dời trụ sở đến nhiều địa điểm. Đến cuối năm 1947, trụ sở báo được đặt tại khu vực Khuổi Đăm, thôn Nà Khằn, xã Nghĩa Tá thuộc huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn ngày nay. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài chính luận sắc bén, góp phần cổ động, giáo dục và tổ chức quần chúng đoàn kết đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Từ năm 1947 báo ra 2 tuần/kỳ từ16 - 20 trang. Những số đặc biệt mừng xuân, mừng những ngày kỷ niệm lớn, báo tăng số, tăng trang, in mầu.
Báo “Sự thật” ra đời, đã góp phần quan trọng vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh cho nền độc lập, tự do của đất nước; vạch trần bộ mặt giả dối của bọn cơ hội, khơi dậy niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tháng 3-1951, Đảng Cộng sản Đông Dương xuất hiện với tên gọi mới: Đảng Lao động Việt Nam, báo “Sự thật” hoàn thành vai trò lịch sử của mình, nhường vị trí cho sự ra đời của báo“Nhân Dân” - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Báo Dân Chúng

Báo “Dân chúng” là cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp làm Tổng biên tập. Báo “Dân chúng” là tờ báo tiếng Việt đầu tiên được xuất bản công khai mà không phải xin phép chế độ thực dân.
Báo Dân Chúng ra đời vào năm 1938. Lúc đó tình hình chính trị phát triển rất có lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặt trận bình dân trong đó có Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt đã thắng thế và lên nắm quyền ở Pháp. Do vậy chính sách của Chính phủ Pháp đối với thuộc địa có sự thay đổi. Đảng Cộng sản Đông Dương nhân cơ hội đó đã cho ra một số báo để tuyên truyền đường lối của mình.
Trước tờ Dân Chúng, Đảng có thuê mướn một số tờ báo để đăng bài của mình và có ra tờ Le Peuple bằng tiếng Pháp. Mấy tờ báo đó chỉ có tính chất địa phương, tờ Le Peuple thì không có điều kiện phổ biến rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đ/c Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cùng đ/c Hà Huy Tập đã cho ra đời báo Dân Chúng. Ban biên tập gồm các đồng chí: Lê Văn Kiệt, Trần Văn Kiết, Bùi Văn Thủ, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Văn Thanh, Hoàng Hoa Cương, Nguyễn Văn Trấn. Số 43 đường Hamelin là trụ sở của báo Dân Chúng đồng thời cũng là trụ sở báo Le Peuple.
Ngày 22/7/1938, báo Dân Chúng ra số báo đầu tiên. Báo được mang về trụ sở để các biên tập viên đọc trước, sau đó được phát không cho quần chúng nhân dân. Đây là sự kiện hết sức quan trọng đối với đời sống tinh thần của nhân dân Sài Gòn. Mọi người chuyền tay nhau đọc báo Dân Chúng. Báo Dân Chúng ra số đầu không có giấy phép của nhà cầm quyền thực dân. Một tháng sau khi tờ báo Dân Chúng ra mắt quần chúng nhân dân thành phố Sài Gòn, bọn thực dân Pháp hoảng sợ lập tức ký lệnh "luật báo chí" chấp nhận quyền tự do báo chí cho Nam Kỳ.
Từ số 15 ra ngày 10/9/1938, báo Dân Chúng mới được nhà cầm quyền thừa nhận tính chất hợp pháp của nó. Báo Dân Chúng hoạt động được hơn một năm, vẫn tiếp tục đặt trụ sở tại 43 Hamelin, những bài viết của báo ngày càng đã kích gay gắt hơn vào bọn thực dân đế quốc (sau đó báo chuyển đến nhà in số 51 E đường Colonel Grinaud, nay là đường Phạm Ngũ Lão).
Ngày 7/9/1939, nhà cầm quyền Pháp đã ra lệnh đóng cửa báo Dân Chúng, tịch thu toàn bộ tài sản, đưa mật thám truy lùng bắt bớ những người đã cộng tác với báo và ban biên tập. Báo Dân Chúng đã ra 81 số, qua 4 lần thay đổi quản lý vì bị khủng bố: đ/c Dương Trí Phú (số 1 - 43), Trần Văn Kiết (số 45 - 52), Huỳnh Văn Thanh (số 53- 69), Hoàng Hoa Cương (số 70 - 81). Về nhà in báo cũng chuyển nhiều nơi: nhà in Sati, nhà in Bảo Tồn, nhà in Xưa nay. Nội dung chính của báo Dân Chúng là:
  • Tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm chính sách của Đảng;
  • Cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít;
  • Đấu tranh chống Tơ rốt kít;
  • Cổ vũ cho mặt trận dân chủ Đông Dương, ủng hộ mặt trận dân chủ ở các nước đấu tranh chống phát xít, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Trung Quốc, ủng hộ mặt trận bình dân Pháp, chống sự hữu khuynh của Chính phủ Pháp, ủng hộ Liên bang Xô Viết.
Báo Dân Chúng là tờ báo ra được nhiều số, đứng thứ 3 trong lịch sử báo chí trước tháng 8 năm 1945, là tờ báo được vinh dự đăng bài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo trong nước trong thời kỳ vận động dân chủ, là tờ báo in có số lượng cao nhất, có nhiều bạn đọc nhất trên đất Đông Dương trong cả quá trình lịch sử trước Cách Mạng tháng 8 năm 1945. Sự ra đời của báo Dân Chúng là nét son quan trọng trong trang sử truyền thống báo chí Việt Nam. Mặc dù chỉ tồn tại hơn một năm, báo chí phát hành 80 số nhưng tờ báo “Dân chúng” đã ghi một chiến công có ý nghĩa lịch sử, đó là mở đường cho tự do báo chí.
Trụ sở báo Dân Chúng đặt tại số 43 đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, thời Pháp thuộc (1938) là đường Hamelin. Trụ sở báo Dân chúng là căn nhà phố trệt, có bề rộng 8m, chiều dài 23,6m, mái lợp ngói âm dương, tường gạch, nền lót gạch bông. Bên trong có gác gỗ lửng. Trụ sở báo Dân Chúng được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử ngày 16/11/1988 qua quyết định số 1288 - VH/QĐ. Tại di tích có gắn bia kỷ niệm.

(Theo cinet.gov.vn)