Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

“Giới trẻ đang mất phương hướng”

Luật sư Trần Hải Đức - đoàn luật sư TP.HCM:

TT - Là một luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án hình sự mà bị cáo là trẻ vị thành niên và những người trẻ, tôi cho rằng giới trẻ hiện đang mất phương hướng, đang bị cái xấu bao vây mà khả năng miễn nhiễm thì rất yếu.
Trẻ vị thành niên nói riêng và người trẻ nói chung coi báo chí, Internet là một kênh quan trọng để tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy những thông tin trên nhiều tờ báo, tạp chí, các trang mạng ngày nào cũng có câu chuyện vụ án sử dụng những tít tựa, hình ảnh giật gân, miêu tả tỉ mỉ như “vẽ đường cho hươu chạy”.
Bên cạnh đó, những câu chuyện “sao” này dùng hàng hiệu bao nhiêu tiền, đại gia kia đi xe triệu đô, thay người đẹp như thay áo... đều là loại thông tin người trẻ quan tâm.
Trước những thông tin đó giới trẻ được giáo dục những gì, sống trong môi trường như thế nào để hướng họ tới lối sống lành mạnh? Thực tế trong trường học, một bộ phận không nhỏ các thầy cô không còn giữ được “khuôn vàng thước ngọc” - hình ảnh những nhà giáo là chuẩn mực về đạo đức, lối sống để học sinh noi theo.
Một số thầy cô mang cả những tiêu cực của xã hội, những bức xúc cá nhân để dạy cho học trò trên lớp khiến các em mất đi niềm tin, mất đi chuẩn mực sống ngay từ trong trường học.
Ra khỏi nhà trường, giới trẻ tiếp xúc với tình trạng bạo lực tràn lan trong xã hội, những tiêu cực, bất công, cơ quan thực thi pháp luật không nghiêm, không công bằng. Đơn giản như cảnh sát giao thông “làm luật” công khai ngoài đường, đập vào mắt các em liên tục thì chính các em cũng có thể là người phải “làm luật” trong nhiều trường hợp.
“Thành trì” quan trọng nhất với các em là gia đình, nhưng nhìn lại thì tình trạng ly hôn hiện nay ngày càng tăng, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình không còn chặt chẽ như trước. Nhiều bậc cha mẹ vì bận mưu sinh ít quan tâm tới con cái, không ít bậc làm cha làm mẹ là quan chức thì tham ô tham nhũng, người kinh doanh thì buôn gian bán lận, nói một đường làm một nẻo dẫn tới không thể giáo dục được con em mình.
Môi trường giáo dục, môi trường xã hội, và quan trọng nhất là gia đình của nhiều người trẻ hiện nay không thể tạo cho họ được “sức đề kháng”, “sự miễn nhiễm” trước những cái xấu. Thậm chí chuẩn mực về tốt xấu trong xã hội hiện nay cũng có thể là một dấu hỏi mà các em không tìm được câu trả lời.
Trước những ước mơ, những khao khát khẳng định bản thân của tuổi mới lớn, các em được định hướng như thế nào ngoài trở thành đại gia, đi bên người đẹp, dùng hàng hiệu, đi xe sang... hay trở thành “anh chị” để được bạn bè, xã hội kính nể. Khi không được định hướng phải làm người chân thực, hướng thiện, có ý chí vươn lên, biết hi sinh, mà bị cái xấu bao vây thì việc người trẻ sa ngã là dễ hiểu.

GIA MINH ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét