Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Để làm giàu thì làm quan là giàu nhất và tốt nhất

- "Trong các nghề để làm giàu thì làm quan là giàu nhất và tốt nhất. Nếu coi làm quan là một nghề làm giàu thì người dân phải biết "đầu tư"".
Đó là một trong những chia sẻ của TS Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

Quá trình không bình thường


Theo ông, những biểu hiện của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có bình thường?


Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi. Đây là một quá trình không bình thường, thậm chí là chưa có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam cho nên nó không bình thường.


Ông thấy nó có khuyết tật gì không?


Câu hỏi này khó trả lời. Nếu nói nó khuyết tật là phải so với cái gì?

a
TS Nguyễn Minh Phong

Ví dụ như sự biến động bất bình thường của giá vàng trong thời gian qua chẳng hạn?

Giá vàng thế giới biến đổi thì giá vàng của mình biến đổi theo. Với tôi hiện tượng giá vàng nhảy múa thời gian qua là bình thường.


Vậy ông giải thích thế nào về sự chênh lệch "bất thường" của giá vàng?


Sự chênh lệch giá này có hai ý: Thứ nhất là Việt Nam đang ngày càng hướng đến sát giá thị trường thế giới, tuy nhiên cũng có lúc có sự chênh lệch không bình thường. Cái không bình thường đó nó gắn liền với quyết định can thiệp tài chính của Nhà nước cho nhập khẩu vàng hay không cho nhập khẩu vàng. Thứ hai là cái sự lên xuống đó còn do đầu cơ, do tâm lý của người dân.


Phải "thông cảm" với vai trò quản lý của Nhà nước


Có người sẽ nghĩ rằng, do vai trò của quản lý Nhà nước trong việc này kém mới dẫn đến hệ quả đó?


Dùng từ "kém" thì hơi nặng. Ở mức độ nào đó phải "thông cảm" với vai trò quản lý của Nhà nước. Kinh tế Việt Nam do thị trường chưa đầy đủ, chính sách của mình chưa phân biệt rõ ràng các quyền lực nên nó càng chậm, dẫn đến sự phản ứng của Ngân hàng Nhà nước tương đối chậm so với thị trường.


Bằng chứng cho thấy là quyết định nhập khẩu vàng rất chậm làm cho giá vàng lệch nhau đến 2 triệu đồng/lượng, có lúc lên đến 3 triệu đồng. Điều này được lý giải bởi cái sự e ngại, sự sợ, lúc cho, lúc không của Ngân hàng Nhà nước, nó mới gây ra tình trạng như vậy.


Sự e ngại đó, là do người phụ trách không đủ quyền lực hay do năng lực có vấn đề?


Cái đó bạn nên hỏi trực tiếp họ thì hơn. Nhưng theo cá nhân tôi quan sát thì nó xuất phát từ cơ chế.


Theo ông thì có hay không có sự bắt tay giữa các nhà quản lý với những kẻ đầu cơ để chậm ra quyết định nhằm thao túng thị trường vàng?


Điều này phải có quá trình điều tra mới trả lời được. Nhưng bằng sự quan sát của tôi và bằng phát biểu của những người khác thì tôi thấy có dấu hiệu đó.


Làm gì mà không phát hiện ra sự chênh lệch đến 2 triệu đồng trong một khoảng thời gian dài như thế. Người ta thường lý giải bởi cơ chế. Nhưng cá nhân tôi cho rằng có thể đó là sự chậm trễ cố ý. Nếu hiểu rằng đó là "bắt tay" thì cũng được.


Các quan chức vẫn sống được bằng lương


Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến sau mỗi đợt tăng lương?


Việc tăng lương, tiền nhiều, thì tạo ra sức mua lớn, dẫn đến giá tăng cao lại phải bù vào lương. Cái vòng xoáy ấy kéo dài như thế suốt mười mấy năm, cho đến nay vẫn còn. Tôi cho rằng tâm lý đó cần phải nhạt dần và nó đang có xu hướng nhạt dần.


Theo quan điểm của ông, việc tăng lương lên mức cao nhất là 2 triệu đồng/tháng vào tháng 10 tới có đáp ứng được cuộc sống của người dân hiện nay không?


Mức tăng đó được đặt trong vòng cân đối ngân sách trả lương và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Nó dựa trên mức sống cụ thể tối thiểu, của người dân. Nhưng mức đó về cơ bản là được cải thiện, chứ để nuôi được người lao động thì chưa.


Theo ông, bao lâu nữa người dân sống được bằng lương?


Có một số doanh nghiệp đã sống bằng lương như doanh nghiệp FDI, ngành dầu, điện, ngân hàng, các quan chức... vẫn sống được bằng lương. Nên không thể nói không có ai sống được bằng lương. Còn về cơ bản, có đến 3/4 hoặc 4/5 lượng lao động ở Việt Nam chưa sống được bằng lương tối thiểu.


Một số doanh nghiệp sống được bằng lương đó họ có đặc quyền như than, dầu, điện mà đó là tài sản của Nhà nước?


Đó là bất cập của cơ chế hiện nay. Những đặc quyền đó chính là tài sản quốc gia và lợi ích toàn dân. Nhưng giữa cơ chế với thực tế có khoảng cách nên phải nghiên cứu để có hướng xử lý.


Dù vậy vẫn không nên kỳ vọng vào sự tuyệt đối. Nếu Nhà nước có áp dụng các biện pháp như cổ phần hóa, cạnh tranh tự do, kiểm soát thu nhập bằng thuế thu nhập... thì cũng chỉ là để hạn chế những điều đó.


Để có cơ hội làm giàu


Như ông nói, có tới 4/5 lượng lao động chưa sống được bằng lương, như vậy liệu người dân Việt Nam có thỏa mãn với cuộc sống họ đang buộc phải "sở hữu"?


Có nghiên cứu cho rằng, Việt Nam tuy nghèo nhưng sống hạnh phúc và lạc quan nhất. Họ nghèo nhưng sống tằn tiện, sống cố để hài lòng.


Hơn nữa, con số công bố về thu nhập không hoàn toàn phản ánh đúng thu nhập thực tế.


Mức thu nhập khai báo không đúng thực tế phản ánh thế nào về sự minh bạch của nền kinh tế?


Con số thống kê để tính thuế quan trọng nhưng con số đó ít chính xác. Tình trạng khai báo gian dối không chỉ một lĩnh vực mà trong hầu hết các lĩnh vực.


Vậy theo ông mức thu nhập trung bình của cán bộ công quyền chênh lệch thực với lương trên giấy tờ là bao nhiêu?


Rất khó biết. Chỉ biết chắc chắn là nó lệch rất nhiều. Bởi thế mà có một thứ trưởng mới nói, ngay cả lương bộ trưởng thì 40 năm mới mua được nhà có thu nhập thấp. Cứ tính thì sẽ thấy mức thu nhập thực tế là bao nhiêu.


Trong khi đó, công chức của mình chưa làm bộ trưởng đã mua được nhà rồi, thậm chí là nhà... thu nhập cao.


Nhưng vì sao thực trạng này vẫn tiếp tục kéo dài?


Có một bộ phận cố tình duy trì vì nó là đặc quyền đặc lợi của họ. Vì nó là miếng cơm, manh áo của họ, bất chấp các hệ quả khác.


Còn một số người như chúng ta thì buộc phải chấp nhận vì pháp luật của mình có giới hạn. Chúng ta có muốn cũng không thể thay đổi được một cách căn bản.
 
Sự thực là rất nhiều cán bộ vẫn giàu đấy thôi!

Làm quan là để có cơ hội làm giàu. Nếu coi làm quan là một nghề làm giàu thì người dân phải biết "đầu tư". 


Vâng. Cũng biết là như thế nhưng làm quan thì phải có tố chất. Có lẽ người dân nên sống là chính mình để đỡ đau đầu.
 
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ cùng độc giả KH&ĐS.

Tăng giá bây giờ mang tính chất cung cầu của thị trường, chứ không phải do tăng lương là tăng giá. Nhà nước hiện nay thường thực hiện tăng lương chậm so với tăng giá. Giá tăng khá cao rồi mới tăng lương chứ không phải tăng lương để cải thiện đời sống nhân dân, làm cho giá không đuổi theo.
Chúng ta cũng đã bị sốc nhiều bởi các vụ tăng giá khác nhau do những yếu tố như  giá xăng, điện, than, dầu, tỷ giá, giá đô la. Hàng loạt các cú sốc này với biên độ tăng rất cao, vượt nhiều lần so với tăng lương, thậm chí tăng tới 20 - 30% trong khi đó lương chỉ tăng 5 - 10% thôi.
Do vậy, mức tăng lương lần này là không đáng kể so với các mức tăng khác. Vì thế, tăng lương không còn có ý nghĩa làm cho người dân được tăng thêm khả năng mua.

Nguyên Tô (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét